01/06/2020 - 06:18

Thời của “Bộ tứ kim cương”! 

Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định vì lý do dịch bệnh sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31-5 tuyên bố sẽ hoãn sự kiện trên đến tháng 9. Sẽ không có gì đáng nói nếu ông Trump không nhân cơ hội này chê G7 “cực kỳ lỗi thời, không đại diện cho những gì đang xảy ra với thế giới”.

Lãnh đạo Mỹ, Nhật và Ấn Độ (từ trái sang) tại thượng đỉnh G20 ở Nhật, tháng 6-2019. Ảnh: AFP

Thế nên chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố sẽ mời thêm Nga, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ dự thượng đỉnh G7 mở rộng.

Quyết định của ông Trump được đưa ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Trung ngày một căng thẳng xung quanh vấn đề thương mại, eo biển Đài Loan, yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nguồn gốc đại dịch COVID-19…và mới nhất là dự luật an ninh Hong Kong.

Nhằm kiềm chế Trung Quốc, “Bộ tứ kim cương” hay tên chính thức là Đối thoại An ninh 4 bên gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc đã được thành lập năm 2007 theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Như vậy, tại thượng đỉnh G7 mở rộng sắp tới sẽ có đủ mặt 4 nước này. Đó là chưa kể Hàn Quốc, quốc gia cùng với Việt Nam và New Zealand gần đây được mời đối thoại với “Bộ tứ kim cương” hướng tới thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, trong đó có mục tiêu dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Không khó để nhận ra quan hệ giữa Mỹ với các thành viên còn lại trong “Bộ tứ kim cương” được thắt chặt dưới thời ông Trump. Đơn cử Úc gần đây đã triển khai tàu chiến tuần tra Biển Đông cùng với Mỹ, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 khiến Bắc Kinh tức giận và đã có một số biện pháp trả đũa thương mại như cấm cửa thịt bò và dọa ngừng mua khoáng sản từ Canberra.

Quan hệ Mỹ-Nhật cũng được củng cố. Hồi đầu năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm ký kết “Hiệp ước hợp tác và an ninh song phương”, ông Trump nói rằng “quan hệ đồng minh vững như bàn thạch giữa 2 quốc gia chúng ta có vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, an ninh, thịnh vượng của Mỹ và Nhật Bản, cũng như của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và toàn thế giới”. Năm ngoái, Mỹ và Nhật đã ký thỏa thuận thương mại tự do giữa lúc xảy ra thương chiến Mỹ-Trung. Nhật hiện đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tokyo cũng ủng hộ Washington tuần tra Biển Đông và cung cấp tàu thuyền cho các nước trong khu vực tuần tra vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh, bằng đường lưỡi bò phi pháp, ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tới 80% diện tích.

Trong khi đó, phát biểu trong buổi tiếp Tổng thống Trump tại New Delhi hồi tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh bang giao Mỹ-Ấn là “quan hệ đối tác quan trọng nhất của thế kỷ 21”. Hiện căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang tại khu vực biên giới Ladakh, khiến hai bên phải tăng cường hàng ngàn binh sĩ tới đây. Ấn Độ  muốn dựa vào Mỹ để đối phó với sự lấn lướt của người láng giềng vốn đang tìm cách kiềm tỏa nước này trên Ấn Độ Dương bằng những “chuỗi ngọc trai”.

Có thể nói sự trỗi dậy của Trung Quốc chính là nhân tố khiến Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ xích lại gần nhau để “liên thủ”. Thế nên giữa lúc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và ông Trump quyết “chơi tất tay” với Trung Quốc, “Bộ tứ kim cương” nổi lên cũng là điều dễ hiểu. 

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết