25/04/2010 - 09:47

Thị trấn Sác-lô!

Bất chấp cái nắng như đổ lửa của mùa hè, hơn trăm người gồm già, trẻ, trai, gái tụ họp tại một thị trấn nhỏ ở miền Tây Ấn Độ để mừng sinh nhật lần thứ 121 của vua hài Charlie Chaplin (Sác-lô), người đã mang tiếng cười đến hàng triệu người trên thế giới.

Họ là thành viên câu lạc bộ hâm mộ Sác-lô ở thị trấn Adipur thuộc bang Gujarat. Tất cả xuống đường diễu hành trong trang phục quen thuộc của thần tượng: bộ ria chải chuốt, chiếc mũ quả dưa, bộ com-lê đen luộm thuộm và cây ba-toong bằng tre. Hòa cùng dòng người đông đúc đó là hai cỗ xe lạc đà, một chở những người đóng vai Sác-lô, chiếc còn lại chở bức tượng nhỏ và bức chân dung lớn của vua hề. Một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc diễn ra trên khắp các con đường để tôn vinh Sác-lô.

 Câu lạc bộ hâm mộ Sác-lô ở Adipur hiện có hơn 200 thành viên. Ảnh: Sanjoy Ghosh

Là người soạn một trong những bài hát ca ngợi thần tượng, Kishore Bhawsar, nhân viên bán vé xe buýt 52 tuổi, cho biết cuộc sống của ông thay đổi kể từ khi xem bộ phim The Gold Rush (Cơn sốt vàng, 1925) nói về một gã lang thang hòa cùng dòng người đổ xô tìm vàng ở vùng hoang vu lạnh giá Alaska (Mỹ) với vô số tình huống bi hài. “Sác-lô chế ngự khổ đau và khiến bạn vui cười. Ông ấy là thi sĩ”, Bhawsar hô vang giữa đám đông.

Khi màn đêm buông xuống, dòng người kéo về hội trường xem biểu diễn kịch câm, kịch hài và cùng thưởng thức phim của Sác-lô. “Chúng tôi chờ đợi ngày này mỗi năm. Đây là lễ hội lớn nhất trong suy nghĩ của nhiều người”, Arjunji Bhimji Fariya, tài xế xe buýt đã nghỉ hưu, thổ lộ. Fariya được xem bộ phim đầu tiên của Sác-lô khi mới 12 tuổi ở thành phố quê hương Karachi (Pakistan). Hiện ông là một trong những thành viên cao tuổi nhất câu lạc bộ hâm mộ Sác-lô. “Tôi tham gia các cuộc diễu hành như thế này được 8 năm”, ông lão 70 tuổi tự hào khoe.

Làn sóng hâm mộ vua hài Sác-lô ở Adipur bắt đầu nhen nhóm vào mùa hè năm 1966, khi phim The Gold Rush tình cờ được phân bổ về rạp Oslo, vốn chỉ chiếu phim của Bollywood (phim Ấn Độ sản xuất). Phim đã làm thay đổi cuộc đời Ashok Aswani. Bị thu hút bởi cách ăn mặc kỳ lạ của nhân vật chính trong áp phích quảng cáo, sau 10 phút đứng nhìn và suy nghĩ, anh nhân viên đánh máy quyết định trốn việc, mua vé vào rạp xem phim. “Cả một thế giới phim ảnh mở ra trước mắt tôi. Âm nhạc, kỹ xảo, hình ảnh đều rất khác lạ (so với phim Bollywood) và tôi tự hỏi Sác-lô là diễn viên hay ảo thuật gia? Tôi đã cười nghiêng ngả đến nỗi tuột khỏi ghế”, Aswani nhớ lại. Hôm đó, Aswani xem The Gold Rush liên tiếp 4 suất. Mặc dù bị sa thải nhưng anh không buồn, trái lại còn cảm thấy mình rất may khi được xem phim Sác-lô. Từ chỗ ngưỡng mộ tài năng của diễn viên, đạo diễn tài ba người Anh, Aswani bắt đầu thích thú với việc diễn xuất và khát khao trở thành diễn viên giống như thần tượng. Nhưng dù đỗ được vào trường đào tạo diễn viên nổi tiếng nhất Ấn Độ ở thành phố Pun nhưng Aswani vẫn không thể biến ước mơ thành sự thật vì sức học có hạn. Khi trở lại Adipur, Aswani đứng ra thành lập câu lạc bộ ái mộ Sác-lô năm 1973.

Trải qua gần 40 năm, câu lạc bộ hiện có hơn 200 thành viên và là nguồn cảm hứng để đạo diễn người Úc Kathryn Millard sản xuất bộ phim tài liệu dài 74 phút về những người bắt chước Sác-lô trên thế giới. Millard kể mỗi khi phim trình chiếu, khán giả thường hỏi cô có cách nào giúp họ gia nhập câu lạc bộ hâm mộ Sác-lô ở Adipur hay không. “Tôi hy vọng họ có thể chấp nhận thành viên đến từ các nước khác”, Kathryn nói.

Mặc dù người hâm mộ Sác-lô có mặt khắp thế giới nhưng không đâu tinh thần của ngôi sao kịch câm nổi tiếng nhất mọi thời đại được hiển hiện sinh động và mạnh mẽ như ở Adipur. “Con cháu của tôi đều được xem phim của Sác-lô, vì thế lòng tôn kính của chúng tôi đối với diễn viên tài ba này sẽ không bao giờ chấm dứt”, thành viên sáng lập Aswani, 60 tuổi, khẳng định.

THỤY TRÚC (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết