01/01/2011 - 10:17

Thế giới năm 2011 - quyết tâm mới, kỳ vọng mới

  Mừng năm mới ở thành phố Las Vegas (Mỹ). Ảnh: Reuters

Năm qua thế giới chứng kiến những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đối với tình hình an ninh chính trị của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển phương Tây. Những mối lo khủng bố, bạo lực bao trùm nhiều nơi cùng với nỗi sợ chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... Nhưng những lo toan năm cũ không làm giảm quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong năm mới, tăng cường hợp tác đối phó thách thức chung.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 31-12 đã phát đi một thông điệp nhấn mạnh cơ quan quyền lực nhất hành tinh này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tất cả các vấn đề quốc tế cấp thiết như đòi hỏi của đa số cư dân trên địa cầu. Ông Ban Ki-moon cho rằng những năm qua LHQ đã có những bước tiến lớn trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời giao trọng trách giải quyết một số vấn đề lớn như chống biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo cho Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20). Tuy nhiên, theo ông Ban Ki-moon, các nhà lãnh đạo G-20 đã chưa đáp ứng được sự kỳ vọng đó, cần nỗ lực nhiều hơn nữa, tăng cường hợp tác với LHQ. Ông cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp hiện nay, không một tổ chức hay quốc gia riêng lẻ nào có thể đơn phương giải quyết tốt mọi vấn đề toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đồng thời là Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và G-20 trong năm 2011, hy vọng nước Pháp và các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ đạt được các kế hoạch quốc tế đầy tham vọng là xây dựng một hệ thống tiền tệ mới, phá vỡ “các thiên đường trốn thuế”, ổn định thị trường hàng hóa và đánh thuế các giao dịch tài chính quốc tế. Ông Sarkozy tin rằng đây là những biện pháp giúp ngăn ngừa khủng hoảng tài chính, thúc đẩy nền kinh tế thế giới hồi phục và tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo.

Liên quan đến kinh tế thế giới, hầu hết các nhà phân tích đều có chung nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại và có thể giảm từ 3,4% năm 2010 xuống còn 3,1% năm 2011, khi các gói kích thích kinh tế và giải cứu tài chính hết hiệu lực mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và thâm hụt ngân sách vẫn nặng nề. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo hầu hết các nền kinh tế lớn đều có mức tăng trưởng yếu hơn trong năm 2011. Khu vực đồng euro tuy có thể tránh được nguy cơ sụp đổ, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cũng là nguyên nhân làm nhiều nền kinh tế phát triển tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2010, do tình trạng lạm phát đã trở nên nghiêm trọng ở các nước đang trỗi dậy, nên sự trì trệ và lạm phát sẽ là hai “đặc trưng” nổi bật của nền kinh tế thế giới năm 2011. Trì trệ tiếp tục là căn bệnh của các nước phát triển, còn lạm phát là căn bệnh mới phát sinh của các nền kinh tế mới nổi.

Dẫu vậy, báo Bưu điện Washington của Mỹ hy vọng nền kinh tế số một thế giới sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2011 sau 3 năm suy thoái. Trong thông điệp năm mới 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel lạc quan rằng bất chấp khủng hoảng, người dân châu Âu vẫn đoàn kết và coi đây là thước đo bảo đảm cho hòa bình và tự do, và đồng euro là nền tảng cho sự thịnh vượng chung của châu lục. Bà Merkel kêu gọi châu Âu cùng nỗ lực tăng cường sức mạnh của đồng tiền chung. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố bình ổn giá, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm nhằm đảm bảo đất nước phát triển bền vững, hài hòa và toàn diện sẽ là những hoạt động ưu tiên của chính phủ nước này trong năm 2011. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì đặt nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền trong năm nay là phải tập trung các nguồn lực để ngăn chặn hiệu quả lạm phát.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết