22/07/2021 - 08:08

Thế giới lo ngại Trung Quốc thâu tóm đất nông nghiệp 

Thời gian qua, các công ty Trung Quốc đổ xô thu mua và thuê đất nông nghiệp ở nước ngoài, từ Mỹ, Úc cho đến các nước ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu, khiến giới chức các quốc gia sở tại không khỏi lo ngại.

Khu đất do một công ty Trung Quốc sở hữu tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg

“Dòm ngó” các trang trại tại Mỹ

Tờ Bloomberg mới đây cho biết, giới lập pháp Mỹ đang cân nhắc đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn nước ngoài thu mua đất nông nghiệp, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng mua các trang trại tại xứ cờ hoa. Trong khi Thượng viện ra sức giúp dân Mỹ giữ gìn các trang trại, Hạ viện cảnh báo sự hiện diện của Bắc Kinh trong hệ thống lương thực Mỹ tạo ra mối nguy hại đối với an ninh quốc gia. Ðáng chú ý, Ủy ban Hạ viện vừa thông qua bản sửa đổi dự luật chi tiêu nông nghiệp nhằm ngăn chặn bất kỳ hoạt động thu mua đất nông nghiệp mới nào của các công ty do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần, qua đó cấm các trang trại thuộc sở hữu của Trung Quốc khai thác những chương trình hỗ trợ liên bang.

Ðộng thái trên được đưa ra giữa lúc Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường nỗ lực nhằm cắt giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ chốt như thực phẩm, bán dẫn và khoáng sản. “Mỹ không thể cho phép Trung Quốc kiểm soát nguồn cung cấp lương thực của chúng tôi” - Cựu Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại Quỹ di sản Mỹ hôm 14-7, qua đó thúc giục ông Biden và các nhà lập pháp Mỹ “chấm dứt mọi trợ cấp nông nghiệp đối với đất đai của công dân nước ngoài”.

Thật ra, các công ty Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của họ trong lĩnh vực nông nghiệp Mỹ trong suốt thập kỷ qua, bằng cách khai thác đất nông nghiệp và thu mua các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, chẳng hạn như “gã khổng lồ” chế biến thịt heo Smithfield Foods. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tính đến đầu năm 2020, các công ty Trung Quốc kiểm soát khoảng 76.800 hec-ta đất nông nghiệp ở Mỹ, gồm đất dùng để trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng.

Con số trên ít hơn nhiều so với số đất nông nghiệp thuộc quyền sở hữu của những cá nhân đến từ các nước như Canada hay các nước châu Âu tại Mỹ và cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số gần 360 triệu hec-ta đất nông nghiệp nước này. Song, xu hướng thu mua đất ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc và mối liên hệ tiềm tàng của họ với Bắc Kinh đã khiến chính giới Mỹ lo ngại.

“Lân la” khắp thế giới

USDA trong báo cáo hồi năm 2018 tiết lộ, mức đầu tư nông nghiệp của Trung Quốc vào các nước khác tăng hơn 10 lần kể từ năm 2009, giữa lúc Bắc Kinh xem việc đầu tư vào đất nông nghiệp ở nước ngoài là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm kiểm soát phần lớn hơn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Hiện Trung Quốc là chủ sở hữu đất nước ngoài lớn thứ 2 ở Úc, sau Anh. Các công ty Trung Quốc kiểm soát tới 2,3% đất của nước này. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2017-2018, các công ty Trung Quốc mua thêm 50.000 hec-ta đất ở Úc. Như vậy, họ sở hữu tổng cộng hơn 9,1 triệu hec-ta đất tại xứ chuột túi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi năm 2018 tuyên bố sẽ ra tay ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, mua đất nông nghiệp với quy mô lớn ở xứ gà trống Gaulois. “Với tôi, đất nông nghiệp Pháp là những khoản đầu tư chiến lược mà chủ quyền của chúng ta phụ thuộc vào đó. Nên chúng ta không thể để hàng trăm hec-ta đất rơi vào tay những cường quốc nước ngoài mà không biết mục đích mua của họ là gì” - Tổng thống Macron phát biểu với hãng tin AFP. Phản ứng của ông chủ Ðiện Élysée được đưa ra sau khi ông bị cáo buộc bỏ lơ vùng nông thôn Pháp và sau thương vụ thu gom 2.700 hec-ta đất nông nghiệp của một nhà đầu tư Trung Quốc ở các vùng Allier và Indre.

Gần đây nhất, Quốc hội Nhật Bản hồi tháng 6 đã ban hành một đạo luật mới nhằm thắt chặt các quy định về thu hồi và sử dụng đất ở những nơi được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia. Nó được thiết kế để ngăn chặn các giao dịch đất đáng ngờ của các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, các thực thể nước ngoài đã mua 46 hec-ta đất nông nghiệp và 7.560 hec-ta đất rừng của nước này. Ðã có trường hợp các thực thể nước ngoài sở hữu đất gần căn cứ của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản ở Hokkaido. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp đất thuộc sở hữu trên danh nghĩa của công dân Nhật Bản, nhưng được hỗ trợ bởi các thực thể Trung Quốc.

Báo Nikkei Asia (Nhật Bản) mới đây cho biết, các công ty Trung Quốc đang ráo riết thu mua đất ở khắp nơi trên thế giới, nhất là tại châu Phi và châu Á. Ước tính, tổng diện tích đất do doanh nghiệp Trung Quốc mua hoặc thuê lại bằng diện tích quốc đảo Sri Lanka và lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp của các nước khác. Theo Land Matrix, một tổ chức giám sát đất đai châu Âu, doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát 6,48 triệu ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác mỏ trên khắp thế giới từ năm 2011 đến năm 2020. Con số này vượt xa tổng diện tích mà các công ty Anh, Mỹ và Nhật Bản nắm giữ, với quy mô lần lượt là 1,56 triệu hec-ta, 860.000 hec-ta và 420.000 hec-ta.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết