19/05/2019 - 08:32

Thanh xuân của mẹ 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

1.  Mẹ thường ra mũi thuyền ngồi một mình trong những đêm trăng lồng lộng, dải Ngân Hà uốn lượn tạo thành nét vẽ mờ nhòe trên bầu trời soi bóng xuống sông khuya.

Nhà tôi nằm cạnh bên sông. Phía sau nhà là đồi núi trập trùng, mùa xuân cỏ mọc xanh xanh, mùa đông phủ trùm màn sương trắng đục. Làng xóm bình yên, những nếp nhà tranh, những cánh đồng vàng rực ngày mùa và những buổi chiều lãng đãng trong tiếng chuông chùa từ đầu làng có lũy tre ngà rợp bóng.

Đêm xuống, mẹ tôi lại ra mũi thuyền ngồi trông trăng, ngắm mặt nước lung linh với vô vàn hạt lân tinh cuộn tròn trên đầu con sóng. Dòng sông này bắt nguồn từ đâu? Tôi có lần hỏi mẹ. Mẹ im lặng. Chưa bao giờ mẹ đi tìm khởi điểm của con sông chảy qua chân núi, xóm làng. Sông vừa đắp bồi phù sa vừa lấy đi của con người bao điều quý giá trong những cơn thịnh nộ. Hình như mẹ tôi không đủ can đảm để đi tìm. Còn tôi lại nghĩ về triết lý tâm đắc: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Tôi biết mình chưa đủ chiêm nghiệm cuộc đời để hiểu hết triết lý ấy, nhưng chắc chắn rằng đám trẻ trong làng không bao giờ dám lội nước, tắm sông, nhất là những ngày bầu trời ủ dột.

Chỉ có mẹ tôi đã từng vùng vẫy ở dòng sông này, nói đúng hơn là đã từng giành lấy sự sống nhỏ nhoi giữa dòng nước cuộn xiết. Mẹ nói vậy, rồi không tiết lộ thêm bất cứ điều gì. Sông vô biên mang dáng hình bí mật.

Mẹ đã từng đi qua biển rộng, sông dài. Nơi nào mẹ cũng đã đến. Ngày còn trẻ mẹ chèo thuyền xuôi dòng sông ra cửa biển. Lấy chồng, mẹ lại đi thuyền ngược sông lên núi đốn củi, hái thuốc về rồi vịn vào cuốn sổ có ghi chép mấy bài thuốc gia truyền một cách tỉ mẩn mà bốc thuốc cho người làng mỗi khi đau ốm. Mẹ không lấy tiền, chỉ làm từ thiện. Ngày rằm mẹ đi chùa, đêm khuya mẹ ngồi đọc kinh, gõ mõ, đất trời vô thanh. Mẹ sống an nhiên như con thuyền dưới bến mặc cho sông đời biến động. Năm tháng trôi qua, mẹ tôi không còn xuôi ngược trên sông, bôn ba ngoài biển cả. “Mẹ không đủ sức”, mẹ nói vậy. Mà sông cũng để lại cho mẹ những ký ức thật buồn mà chưa một lần mẹ tâm sự cùng tôi. Chỉ có sông là hiểu hết.

“Sông làm mẹ buồn mà mẹ cứ ngắm hoài. Ký ức buồn sao mẹ không thả vào sông mà cứ ôm mãi?”, tôi hỏi. Mẹ cười cười: “Bởi vì sông đã giúp mẹ giữ lấy một phần. Phần của mẹ thì mẹ giữ”.

Câu trả lời tối nghĩa khiến tôi không hiểu sông đã lặng thầm giữ giúp mẹ điều gì, chỉ biết rằng ký ức như chiếc phao cứu sinh, cứu lấy cuộc đời của mẹ, để mỗi lúc buồn mẹ lại lục tìm, rồi khóc, rồi đau, nhưng mẹ không bao giờ buông bỏ cuộc đời. Mẹ sống mạnh mẽ như cây sầu đâu đầu làng mùa đông trổ hoa trắng cả vùng đất ngọt. Mẹ chở che tôi qua những mùa gió lạnh, qua những lần sông nổi trận lôi đình nuốt chửng bờ tre, nếp nhà, rơm rạ chân quê và những mối tình hẹn hò bên bờ sông mơ mộng…

2. Tôi mồ côi ba. Làng bảo ba “Ăn ở thất đức” nên thần sông, thần biển, thần rừng trừng trị ba tôi, mang ba tôi giấu đi mất biệt. Tôi khóc ròng. Tôi muốn thét lên rằng ba tôi không như người ta vẫn buông lời đay nghiến, để thóa mạ mẹ tôi. Đó là một buổi chiều trời mưa rất to, nước sông cuồn cuộn chảy. Tôi đang ngồi bóc vỏ củ khoai nóng hổi mẹ vừa nhấc xuống từ bếp than hồng, bỗng nghe có tiếng la hét  ngoài đầu làng, một đám người lô xô tiến về phía nhà tôi, gọi tên ba mẹ tôi ra mà chửi “Cái bọn giả nhân giả nghĩa bốc thuốc tầm phào hại chết con người ta”. Mẹ tôi hốt hoảng, ba tôi châm mồi lửa đốt cháy kho thuốc trong nhà, cháy trụi gian nhà. Từ đó, ba mẹ tôi bị người làng ghẻ lạnh, lánh xa.

Không biết tự bao giờ tôi tự tạo cho mình lớp vỏ xù xì, gai góc. Tôi từng nắm đầu đấm vào mặt thằng con trai ngồi cùng bàn chỉ vì nó cười nhạo tôi là không ba. Lần ấy, mẹ tôi bị cô giáo mời lên lớp. Buổi chiều, mẹ cầm cây roi đánh đòn tôi ngoài bờ ao, tay mẹ run run, mẹ đánh mà nước mắt mẹ trào ra ướt đầm đìa đôi gò má. “Mẹ ơi, mình đi tìm ba về đi mẹ”, tôi nói, gần như van xin. “Sông dài bể rộng, biết tìm ba ở đâu bây giờ?”, mẹ bất lực.

Tìm ở đâu cũng được, tôi nghẹn ngào. Tôi cần ba về để hoàng hôn buông, ba lại cõng tôi ra đồng ngóng núi, nhìn ngắm mây trời, nhìn cánh chim rập rờn. Tôi cần ba về để thanh minh với người làng rằng ba mẹ không ăn ở thất đức, cũng không phải ba đi biệt xứ để trốn tránh tội lỗi của mình. Trời ơi, ba tôi, người đàn ông nhân từ, mạnh mẽ và bao dung che chở mẹ con tôi đi qua giông bão cuộc đời, bây giờ đi đâu mất biệt để lại trong lòng tôi khoảng trống khó có thể lấp đầy. Sông vẫn chảy, ba vẫn biệt tăm, còn mẹ vẫn lặng thinh mặc cho tháng ngày xuôi theo dòng nước…

Đó là vì tôi chưa biết mẹ tôi đêm nào cũng thả trôi con thuyền trên dòng sông, xuôi nước để được gần ba. Ở ngoài cửa biển.

Tôi giật mình thức giấc, trong nhà vắng tanh, bóng tối trùm phủ. Mọi thứ đang ngưng đọng. Bất giác tôi nghe tiếng đôi chim đậu trên mái lá, sông chảy, gió hun hút trên ngọn núi sau nhà làm thành thanh âm huyền thoại chốn non ngàn. Tôi quờ quạng tìm mẹ. Chỗ mẹ nằm trống trơn. Tôi gọi, đáp lại là sự im thinh đến đáng sợ. Tôi lần theo con đường mòn hiện ra dưới ánh trăng đêm khuya, đi tìm mẹ. Đến bến sông, chiếc thuyền đã rời khỏi bến. Mẹ tôi đã tháo sợi dây buộc thuyền rồi dịch mái dầm xuôi theo dòng nước. Dòng sông trắng uốn khúc trong màn đêm u tối. Sông đang chảy về phía biển, con nước cuộn xiết. Tôi nhận ra mẹ mình đã nương con thuyền theo dòng chảy về phía biển trong đêm tối. Tôi ngồi ở bến sông quê đợi mẹ mà nước mắt tuôn dòng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi lại sợ mẹ mình đi mất hút, giống như ba, giống như những tháng ngày bình yên theo dòng đời trôi mãi. Tim tôi nhoi nhói. Đợi mẹ về. Một làn khói sương mờ ảo quyện lên từ lòng sông sâu hoắm, khói trắng vẽ trong không gian khuôn mặt của mẹ tôi với dấu vết tảo tần, với nỗi niềm ngang trái…

Bí mật của mẹ đã bị tôi phát hiện. Mẹ ra cửa biển. Chờ ba. Thanh xuân mẹ thả xuống dòng sông. Thanh xuân mẹ dành để đi tìm, mà chưa một lần mẹ nói với tôi mẹ đi tìm ba về để tôi không còn đơn độc nữa.

3. Mẹ nhìn về phía biển. Tôi hỏi mẹ ngoài biển có gì? Mẹ nhìn tôi, nhẹ vuốt tóc tôi. “Ngoài biển có sóng trắng mù khơi, có thuyền chài, có ngư phủ tảo tần cơ cực”, mẹ ngừng lại. Tôi tiếp lời mẹ: “Và có ba nữa, phải không mẹ?”. Mẹ tôi cúi mặt, nước mắt đọng thành hai hạt sóng sánh trên đôi mắt khép hờ, nửa muốn rơi xuống, nửa dùng dằng nơi mẹ. Rồi nước mắt cũng rơi. Rồi ký ức buông lơi.

Tôi đã hiểu vì sao những đêm trăng mẹ tôi lại ra mũi thuyền ngồi nhìn về phía biển. Sông thì lạnh. Quãng đời nào có đôi vợ chồng chênh vênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa khúc sông sâu, sóng đánh con thuyền lắc lư, nước xô mạn thuyền mạnh bạo úp ngược con thuyền xuống dòng sông sóng cuộn. Trong khoảnh khắc sống còn, người đàn ông không ngại ngần nhường chiếc phao duy nhất cho người đàn bà đang chơi vơi giữa dòng trong đêm trăng lạnh lẽo. Đó là câu chuyện của ba mẹ tôi, một câu chuyện mơ hồ như cổ tích, nhưng đau. Một lúc nỗ lực thoi thóp giữa dòng, nước lớn đêm sông đã nhấn chìm ba tôi, đẩy ba về phía biển. Mẹ tôi bất lực đứng trên bờ nhìn ba, nghẹn ngào. Sông biển vô tri nuốt chửng ba tôi. Dòng nước buồn thiu để lại cho mẹ tôi khoảng trống trong lòng biết bao giờ mới lấp đầy lại được.

Mẹ đau suốt mười mấy năm trời.

Ráng chiều loang loáng trên bầu trời phản chiếu xuống dòng sông. Bóng núi đổ dần xuống cánh đồng vàng rực màu lúa mới. Làng quê bình an. Tiếng chuông chùa đầu làng lại khẽ ngân dài trong không gian, thanh tịnh, trầm lắng. “Mẹ con mình ra xuôi dòng sông ra cửa biển thôi mẹ”. Mẹ tôi châng hẩng: “Để làm gì hả Út?”. “Để nói với ba rằng thanh xuân của mẹ vùi chôn trong những cuộc kiếm tìm. Để nói với ba rằng mẹ con mình vẫn sống mạnh mẽ, sống bao dung và nhân từ như ba đã từng sống. Làng không giận ba. Sông đã chôn chặt những nỗi niềm…”.

Sóng dịu dàng đưa chiếc thuyền ra cửa biển. Bóng ba chập chờn. Tôi nhìn ba, mẹ nhìn ba, chúng tôi nhìn nhau - thương trào nước mắt.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thanh xuânmẹ