26/02/2023 - 12:56

Tham vọng mới của Saudi Arabia 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế ngoài dầu mỏ và rũ bỏ hình ảnh là một quốc gia bảo thủ, khép kín, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) mới đây đã thông báo kế hoạch biến thủ đô Riyadh thành một trong những "thành phố đáng sống nhất Trái đất" bằng cách xây dựng một trung tâm hiện đại lớn nhất thế giới ở phía Tây Bắc.

Mô hình tòa nhà chọc trời Mukaab tại trung tâm New Murabba. Ảnh: CNN

Ðược Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng, dự án mang tên "New Murabba" có diện tích 19km², có thể cung cấp chỗ ở cho hàng trăm ngàn cư dân. Tâm điểm của "New Murabba" là một tòa nhà chọc trời khổng lồ có dạng khối lập phương mang tên "Mukaab", cao 400m, rộng 400m và dài 400m, đủ lớn để chứa 20 tòa nhà Empire State (New York, Mỹ). Tòa nhà hình lập phương này sẽ khép kín ở một mặt, gồm nhiều hình tam giác xếp chồng lên nhau, lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc Najdi hiện đại. Tòa nhà sẽ có không gian thông tầng kéo dài gần tới đỉnh và chứa một tòa tháp xoắn. Nếu hoàn thành, các nhà phát triển nói rằng đây sẽ là tòa nhà nội thành lớn nhất
hành tinh.

Biểu tượng độc đáo của khu vực

Tổng cộng, Murabba sẽ có diện tích sàn hơn 25 triệu m², với hơn 104.000 căn hộ, 9.000 phòng khách sạn và hơn 980.000m² diện tích bán lẻ, cũng như 1,4 triệu m² diện tích văn phòng, trong đó có 620.000m² diện tích dành cho giải trí và 1,8 triệu m² dành riêng cho các cơ sở cộng đồng. Dự án sẽ tập trung vào tính bền vững với những khu vực xanh, lối đi bộ và đạp xe giúp tăng cường chất lượng cuộc sống thông qua khuyến khích lối sống lành mạnh và hoạt động cộng đồng. Khu Murabba cũng sẽ bao gồm một bảo tàng, đại học về công nghệ và thiết kế, sân khấu và hơn 80 tụ điểm giải trí và giao lưu văn hóa. Ðặc biệt, cư dân của Murabba sẽ được tiếp cận với không gian sống, làm việc và giải trí trong bán kính 15 phút đi bộ, trong khi sân bay chỉ cách đó 20 phút lái xe. Các nhà phát triển cho biết dự án sẽ tạo ra hơn 350.000 việc làm, khiến nó trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Theo PIF, quỹ đầu tư quốc gia trị giá 620 tỉ USD do Thái tử Mohammed thành lập, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2030 nói trên mang đến "một trải nghiệm đầy sống động" khi cung cấp "môi trường luôn thay đổi" bằng cách sử dụng công nghệ ảo và kỹ thuật số để tạo thành không gian 3 chiều tương tác với cảnh quan đô thị xung quanh. "Ðầu tiên, nó sẽ mang lại trải nghiệm độc đáo và chưa từng có bằng cách sử dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất trong thực tế ảo. Du khách bước vào Mukaab sẽ có trải nghiệm thú vị khi hòa mình vào những cảnh quan khác nhau. Ðứng ở các căn hộ trên tòa tháp xoắn ốc ở giữa hình lập phương cũng có thể nhìn thấy những khung cảnh này. Hơn nữa, tòa nhà sẽ mang đến cho Riyadh một biểu tượng độc đáo, giúp thành phố này có thể được nhận ra ngay lập tức giữa các thành phố khác trên thế giới, giống như Tháp Eiffel hoặc Nhà hát Opera Sydney vậy" - Yasser Elsheshtawy, phó giáo sư kiến ​​trúc tại Ðại học Columbia (Mỹ), đánh giá.

Theo giới chuyên gia, việc hoàn thành dự án nói trên sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi đang diễn ra của nền kinh tế Saudi Arabia khi vương quốc này tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí. Ðó cũng là một dấu hiệu rõ ràng về tham vọng của Chính phủ Saudi Arabia vốn quyết tâm đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới và phát triển bền vững. Nếu thành công, dự án có thể thiết lập một chuẩn mực mới cho các dự án phát triển đô thị quy mô lớn trên toàn thế giới.

Vấp phải nhiều nghi ngờ

Hiện không rõ dự án New Murabba sẽ "ngốn" bao nhiêu tiền. Khi được hỏi về kế hoạch tài chính của dự án, PIF nói với CNN rằng kế hoạch chi tiết vẫn chưa được tiết lộ và đơn vị này sẽ thông báo thông tin trong thời gian tới. Song, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi và nói rằng Saudi Arabia có thể không có đủ nguồn tài chính để thực hiện dự án đầy tham vọng này. "Nguồn tài chính để hiện thực hóa dự án này không hoàn toàn được đảm bảo. Họ đã cố gắng thu hút nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thực hiện dự án" - Andreas Krieg, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Ðông thuộc Ðại học Hoàng gia Luân Ðôn (Anh), nhận định. Theo CNN, Saudi Arabia hy vọng sẽ tăng vốn FDI lên con số 388 tỉ riyal (tương đương 103 tỉ USD) hàng năm vào năm 2030. Ðược biết, vốn FDI mà vương quốc này thu hút hồi năm 2021 là 19 tỉ USD.

Theo ông Andreas Krieg, Saudi Arabia đang được nhắc đến như hình ảnh tiêu cực về nhân quyền, nên giờ đây họ đang cố gắng thúc đẩy những câu chuyện mới về việc trở thành một quốc gia phát triển và có thể xây dựng các thành phố tương lai. Mặt khác, giới phân tích cho rằng Saudi Arabia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực từ thủ đô Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Doha của Qatar, cả hai trong thập niên qua đã cố gắng định vị là trung tâm đầu tư và du lịch khu vực. "Xếp thứ hai trong cuộc cạnh tranh luôn là một khởi đầu đầy khó khăn khi bạn muốn trở thành người dẫn đầu. Ðiều này đặc biệt khó khăn đối với Saudia Arabia vì họ trong nhiều thập niên không thu hút các du khách nước ngoài không theo đạo Hồi" - Simon Henderson, Giám đốc chương trình Chính sách Vùng Vịnh và Năng lượng của Viện Chính sách Cận Ðông (Mỹ), cho biết.

Hiện một câu hỏi được đặt ra là liệu dự án trên có thành hiện thực hay không khi mà tiến độ thực hiện các dự án có quy mô tương tự đều rất chậm. Năm 2021, Thái tử Mohammed đã công bố kế hoạch xây dựng thành phố Neom tương lai trị giá 500 tỉ USD ở phía Tây Bắc Saudi Arabia. Thành phố này bao gồm 2 "tòa nhà" ốp kính có chiều cao 500m và dài tới 170km, chạy song song từ vịnh Aqaba vào sâu trong nội địa và dự kiến sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo, cũng như có khí hậu ôn hòa quanh năm nhờ thông gió tự nhiên. Thái tử Mohammed tuyên bố dự án có thể thu hút 1,2 triệu cư dân vào năm 2030. Tới năm 2045, con số này có thể lên tới 9 triệu người. Theo truyền thông Saudi Arabia, vương quốc này còn có kế hoạch chi 800 tỉ USD để tăng gấp đôi quy mô Riyadh cũng như biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa và kinh tế cho khu vực.

Câu chuyện về tham vọng tòa tháp cao nhất thế giới

Năm 2008, vị hoàng tử của Saudi Arabia khi đó là Alwaleed Bin Talal công bố kế hoạch xây dựng tòa tháp cao nhất thế giới, lên tới 1.000m hoặc hơn, tại thành phố Jeddah, khu vực nằm giữa hai thánh địa Mecca và Medina.

Công trình hiện giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới là tháp Burj Khalifa ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), cao 828m.

Mục tiêu của Hoàng tử Alwaleed Bin Talal là biến tòa tháp trở thành viên ngọc quý của ốc đảo đô thị rộng lớn mang tên Thành phố Kinh tế Jeddah, hay còn gọi là “Dubai của Saudi Arabia”. Khi ông Alwaleed đặt mục tiêu xây dựng tòa tháp cao hàng kilomet đầu tiên trên thế giới, tòa tháp Burj Khalifa vẫn chưa hoàn thành.

Việc xây dựng tháp Jeddah bắt đầu vào tháng 4-2013 và chỉ mất hơn một năm để hoàn thành phần móng, bao gồm các khung bê tông có đường kính 3m. Các hạng mục trên mặt đất bắt đầu được xây dựng vào tháng 9-2014. Phần chân của tòa tháp được xây chậm rãi và đều đặn cho đến năm 2017, khi chính quyền hoàng gia Saudi Arabia bị “rung chuyển” bởi một cuộc khủng hoảng chính trị. Thái tử Mohammed bin Salman đã phát động một cuộc “thanh trừng” chống tham nhũng sâu rộng, dẫn đến việc bắt giữ 11 hoàng tử, trong đó có Alwaleed bin Talal. Vào năm 2018, việc xây dựng tháp Jeddah được nối lại và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Nhưng các vấn đề nhân công và đại dịch COVID-19 đã phá vỡ kế hoạch này.

Hiện tại, tháp Jeddah mới xây được phần chân cao khoảng 300m, bằng 1/3 chiều cao dự kiến. 90% công trình đường xá và cảnh quan của Thành phố Kinh tế Jeddah đã hoàn thành, nhưng không có thông tin nào về tình trạng của tháp Jeddah hay kế hoạch khởi động lại việc xây dựng.

Tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai. Ảnh: Guinnessworldrecords​

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết