28/12/2020 - 08:11

Tham vọng của Pháp từ tàu sân bay mới 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã công bố kế hoạch đóng tàu sân bay vận hành bằng năng lượng hạt nhân mới nhằm thay thế hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle vào năm 2038.

Charles de Gaulle sẽ được thay thế bằng tàu sân bay mới. Ảnh: WSJ

Duy trì quyền tự chủ chiến lược

Với chi phí ước tính lên tới 8 tỉ USD, tàu sân bay mới chưa được đặt tên của Pháp sẽ lớn hơn đáng kể so với “đàn anh” Charles de Gaulle. Dài 300 mét, nó có thể chở 32 chiến đấu cơ Rafale, 3 máy bay cảnh báo sớm Grumman E-2 Hawkeye cùng với một số trực thăng và máy bay không người lái.

Dự kiến, lượng giãn nước của tàu sân bay mới là 75.000 tấn, lớn hơn rất nhiều so với Charles de Gaulle, vốn chỉ có 42.500 tấn và dài 261 mét. Ðặc biệt, nó sẽ được trang bị hệ thống phóng điện từ do Tập đoàn năng lượng và quốc phòng General Atomics (Mỹ) phát triển, nhờ đó có thể tiếp nhận chiến đấu cơ của Mỹ theo cách tương tự như Charles de Gaulle. Giống như “đàn anh” và các hàng không mẫu hạm của Mỹ, tàu sân bay mới của Pháp sẽ vận hành bằng năng lượng hạt nhân nhờ được trang bị 2 máy phát điện K22, với công suất 220 megawatt/máy, do đó sẽ giảm thiểu các chuyến tiếp nhiên liệu tại cảng. Tàu dự kiến có thủy thủ đoàn khoảng 2.000 người.

Theo Tổng thống Macron, tàu sân bay mới sẽ khẳng định “ý chí của Pháp trong việc duy trì quyền tự chủ chiến lược”. “Ðó là biểu tượng của sức mạnh, bằng chứng cho thấy năng lực hành động của chúng tôi. Ðó là tiếng nói của Pháp tại tất cả các vùng biển trên thế giới” - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố trên trang cá nhân Twitter.

Sát cánh với Mỹ?

Kế hoạch đóng tàu sân bay mới của xứ gà trống Gaulois cho thấy Pháp muốn củng cố vị thế, trở thành đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi Anh rút khỏi khối 27 quốc gia thành viên này.

Tàu sân bay hiện tại Charles de Gaulle, được đưa vào hoạt động năm 2001, từng là biểu tượng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Pháp và Mỹ, đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Cuối năm 2015, Pháp đưa tàu sân bay duy nhất của mình dẫn đầu lực lượng hải quân Mỹ chống IS. Ðây là lần đầu tiên tàu chiến nước ngoài giữ vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự của hải quân Mỹ.

Năm 2018, khi Charles de Gaulle được bảo trì, các phi công Pháp được huấn luyện trên tàu sân bay George H.W. Bush của Mỹ. Trong cuộc diễn tập ở Ðịa Trung Hải hồi tháng 3-2020, các chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ hoán đổi hạ cánh giữa 2 tàu sân bay Dwight D. Eisenhower và Charles de Gaulle.

Kế hoạch đóng tàu sân bay mới của Pháp được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden muốn “làm sâu sắc hơn và hồi sinh” quan hệ với các đồng minh châu Âu.

Quan hệ Pháp - Mỹ có truyền thống gần gũi  kể từ khi 2 nước ký Hiệp ước Liên minh năm 1778. Hiệp ước này đã giúp Pháp đánh bại Anh trong cuộc chiến tranh giai đoạn 1778-1783.  Tuy nhiên, đôi bên có lúc lạnh nhạt. Năm 1966, Pháp rút khỏi bộ chỉ huy quân sự NATO và phản đối Mỹ tấn công vào Iraq năm 2003. Dù vậy, tháng 4-2009, Pháp quay trở lại bộ chỉ huy quân sự NATO. Quan hệ Paris - Washington từ đó ngày càng trở nên chặt chẽ hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những năm qua đã liên tục hối thúc các đồng minh ra sức đảm bảo nền an ninh châu Âu trong bối cảnh Washington tập trung đối phó Trung Quốc. Năm nay, Pháp là một trong 10 thành viên NATO đáp ứng được mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Chính phủ Pháp còn có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng 4,5% trong năm tới.

TRÍ VĂN (Theo WSJ, Defense News)

Chia sẻ bài viết