|
Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở Pakistan đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế. Ảnh: CNN |
Chào đời sau trận lũ kinh hoàng nhất trong lịch sử Pakistan, những đứa trẻ sơ sinh ở các trại tị nạn khắp thành phố Sukkur, Đông Nam nước này, bé tẹo và còm cõi đến mức thoạt đầu nếu không nhìn kỹ, nhiều người khó có thể nhận ra. Chúng cất tiếng khóc yếu ớt đòi mẹ cho bú.
Rida và Nida, cặp bé gái song sinh 7 ngày tuổi, là thành viên nhí nhất trong số 900 người đang chen chúc nhau tá túc ở nơi thiếu thốn trăm bề. Chị Maryum, mẹ của chúng, cảm thấy an ủi khi hai con vẫn còn sống giữa cảnh rối ren sau cơn lũ tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua, nhưng chị không hề vui sướng khi lần đầu làm mẹ. “Tôi lo lắng cho các con. Chúng tôi chẳng có thứ gì. Quần áo không, nhà cửa cũng không”, Maryun bộc bạch.
Maryun nhúng ngón tay của mình vào chén nước sau đó đưa nhanh lên môi bé Nida, trông nhỏ và ốm yếu hơn Rida. “Đây là nước sạch nhất mà chúng tôi có”, Maryun nói tiếp. Sạch nhất theo cách nói của Maryun không có nghĩa là nước sạch. Nuớc sinh hoạt trong trại tị nạn thực chất là trường học bỏ hoang này vẫn chưa qua xử lý nhưng là nước uống duy nhất của trẻ nhỏ nơi đây. Đó là lý do nhiều bé ở đây mắc bệnh đường ruột và phải truyền dịch.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pakistan, trận đại hồng thủy 3 tuần trước đã cướp đi mạng sống của hơn 1.600 người, và ảnh hưởng cuộc sống của 20 triệu người, trong đó 8 triệu người cần được cứu trợ thực phẩm, nước uống và chỗ ở khẩn cấp và 14 triệu người cần được chăm sóc y tế, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện nay hàng ngàn trẻ em Pakistan đang bị tiêu chảy, sốt rét, viêm đường hô hấp cấp và các bệnh ngoài da, truyền nhiễm như ghẻ, sởi. WHO ước tính khoảng 3,5 triệu trẻ em Pakistan có nguy cơ mắc bệnh dịch do nguồn nước ô nhiễm như tiêu chảy cấp, dịch tả, lỵ... Phát ngôn viên của WHO cho rằng dịch bệnh hoành hành mới chỉ là một phần của vấn đề. Hàng trăm bệnh viện, trạm xá đã bị nước lũ phá hủy hoặc làm hư hại khiến nỗ lực chăm sóc y tế cho người dân trong vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài trẻ em, 500.000 phụ nữ mang thai chạy lũ là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt, với nguy cơ đổ bệnh do nguồn nước sinh hoạt và điều kiện vệ sinh quá kém - theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA). Chính phủ Pakistan ước tính, trong số 8 triệu người đang cần được hỗ trợ khẩn cấp, có 1,5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong 3 tháng tới, 52.500 thai phụ sẽ “vượt cạn” và tình cảnh của họ thật bi đát. Đó là chưa kể hơn 85.000 trẻ dự kiến chào đời trong 6 tháng nữa có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng do thiếu lương thực và thực phẩm. Những trẻ này cũng có nguy cơ cao bị bại liệt và sởi.
“Bất chấp những hiểm nguy xung quanh, phụ nữ mang bầu sẽ phải sinh con, và họ cần được hỗ trợ y tế kịp thời để bảo đảm sinh nở an toàn”, giám đốc điều hành UNFPA Thoraya Ahmed Obaid nhấn mạnh. Được biết, UNFPA vừa cung cấp thuốc men, bông băng, dụng cụ y tế và quần áo trẻ sơ sinh để phục vụ hàng nghìn sản phụ. Ngoài ra, Úc cũng vừa chuyển 2.000 bộ dụng cụ y tế hỗ trợ sinh sản cho Pakistan. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa thấm tháp gì. Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế trong vòng 3 tháng tới hỗ trợ khẩn cấp 8,8 triệu USD để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cơ bản cho người dân vùng bị thiên tai.
Khan hiếm nước sạch và điều kiện vệ sinh tồi tệ là hai vấn đề lớn nhất mà hàng triệu người dân Pakistan đang đối mặt. Tại trại tị nạn mẹ con chị Maryun đang ở, phân người và xác gia súc vương vãi khắp nơi, cách chỗ các trẻ nằm chỉ vài mét. Trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Pakistan vừa triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy, sốt rét và dịch tả trên diện rộng ở các vùng bị ngập lũ.
Trong khi đó, theo các bác sĩ tình nguyện nước ngoài đang làm việc ở Pakistan, nếu có đủ nước sạch và thuốc kháng sinh, nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai ở các vùng lũ sẽ khỏi bệnh bởi những căn bệnh mà họ mắc đều thuộc dạng dễ trị và có thể phòng ngừa. Ismael Mako, bác sĩ tình nguyện đang làm việc như con thoi giữa các trại tị nạn ở Sukkur, cảnh báo nếu không được cứu trợ kịp thời, Pakistan chắc chắn sẽ rơi vào khủng hoảng y tế.
LONG CHÂU (Theo CNN, VOA, NDTV, Reuters)