07/02/2024 - 09:43

Thái Lan và “cuộc chiến” thu hẹp quân đội 

Chính phủ dân sự Thái Lan đang chịu áp lực phải thu hẹp lực lượng vũ trang sau gần một thập kỷ quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước, nhưng các nhà phân tích cảnh báo nỗ lực này chắc chắn đối mặt sự phản kháng từ các tướng lĩnh đầy quyền lực.

Binh sĩ Thái Lan trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bloomberg

Đầu tháng 1, Hạ viện Thái Lan trong tranh luận tương đối gay gắt giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập đã bỏ phiếu thông qua lần đọc đầu tiên Dự luật ngân sách tài khóa 2024 với tổng giá trị hơn 101 tỉ USD. Theo lộ trình, dự luật tiếp tục được Hạ viện thảo luận và thông qua các lần đọc thứ hai và ba trong tháng 4. Sau đó, dự luật được trình lên Thượng viện và Hoàng gia Thái Lan xem xét, phê duyệt trong tháng 5.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi hiện nay là khoản ngân sách quốc phòng trị giá 5,5 tỉ USD, tăng 2% so với năm trước. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức chi tiêu lớn nhất dành cho quân đội Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Ngoài vấn đề trên, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của Thủ tướng Srettha Thavisin cũng đang bị phe đối lập và một số phương tiện truyền thông cáo buộc không tuân thủ cam kết bầu cử về nỗ lực cắt giảm biên chế nhằm thu hẹp quy mô lực lượng vũ trang vốn xếp thứ hai ở Đông Nam Á. Theo báo cáo, Thái Lan có từ 1.700 đến 2.000 tướng lĩnh và khoảng 335.000 binh sĩ đang tại ngũ.

Trong khi gia tăng áp lực lên chính phủ, các nhà lập pháp đối lập đồng thời lo ngại quân đội có sẵn sàng chấp nhận cắt giảm tài chính và nhân lực hay không. Theo chuyên gia về an ninh quốc gia Thái Lan Paul Chambers, trước nay các tướng lĩnh vẫn luôn phản đối chính phủ dân cử tìm cách cải tổ lực lượng vũ trang. Trong 5 năm chính quyền quân sự kiểm soát Thái Lan giai đoạn 2014-2019, tỷ trọng chi tiêu của quân đội trong ngân sách quốc gia đã tăng lên 8,1%. Ngoài ra còn có một ngân sách “chuyển tiếp”, cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng công quỹ cho từng mục đích cụ thể.

Ngoài các vấn đề trên, một chính trị gia cấp cao của Pheu Thai trong điều kiện giấu tên thừa nhận đảng này đang vướng phải tình huống trớ trêu đó là một liên minh dân sự lại đồng ý cho đảng ủng hộ quân đội gia nhập. Theo người này, Pheu Thai là “nạn nhân” của 2 cuộc đảo chính quân sự gần đây nhất, nhưng bây giờ họ phải làm việc với quân đội trong hàng ngũ của mình. Với bối cảnh như vậy, các quyết sách của chính phủ sẽ được quyết định bởi sự cân bằng lực lượng giữa các bên dân sự và quân sự. Xu hướng này từng được phản ánh qua quyết định bổ nhiệm ông Sutin Klungsang làm Bộ trưởng Quốc phòng. Là thành viên kỳ cựu của đảng Pheu Thai, ông Klungsang đã làm nên lịch sử với tư cách chính trị gia dân sự đầu tiên không phải thủ tướng được bổ nhiệm vào ghế lãnh đạo quân đội. Theo các nguồn tin tình báo Thái Lan, việc Pheu Thai chọn ông Sutin làm Bộ trưởng Quốc phòng là kết quả của nhiều tuần đàm phán ngầm. Đây là quyết định có ý nghĩa khi ông Sutin đóng vai trò như biểu tượng cho bộ mặt dân sự của chính quyền, nhưng cũng đầy thách thức khi có ý kiến cho rằng quân đội sẽ kiểm soát chương trình nghị sự quốc phòng từ phía sau hậu trường.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

 

Chia sẻ bài viết