17/08/2022 - 22:03

Tàu nghiên cứu Trung Quốc cập cảng Sri Lanka 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Guardian)

Ngày 16-8, tàu Viễn Vọng 5 của Trung Quốc đã cập cảng Hambantota tại Sri Lanka bất chấp những lo ngại an ninh từ phía Ấn Ðộ.

Tàu Viễn Vọng 5 cập cảng Hambantota của Sri Lanka ngày 16-8. Ảnh: CNN

Tàu Viễn Vọng 5 dự kiến cập cảng hồi tuần rồi, nhưng chuyến thăm bị trì hoãn vì sức ép từ Ấn Ðộ, mặc dù New Delhi bác bỏ điều này. Trung Quốc mô tả Viễn Vọng 5 là tàu nghiên cứu khoa học và khảo sát nhưng Ấn Ðộ nói tàu còn có thể dùng cho mục đích do thám quân sự.

Hồi cuối tháng 7, Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ cho biết họ sẽ giám sát chặt chẽ “bất kỳ diễn biến nào ảnh hưởng đến lợi ích an ninh và kinh tế của Ấn Ðộ và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích này”. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Bộ Ngoại giao Sri Lanka ngày 13-8 thông báo tàu Viễn Vọng 5 đã được cấp phép cập cảng với điều kiện không tham gia bất cứ hoạt động nghiên cứu khoa học nào và phải bật hệ thống nhận diện tự động (AIS) suốt thời gian ở trong vùng biển Sri Lanka. Tàu sẽ neo lại trong 6 ngày.

Hambantota là cảng nước sâu chiến lược ở phía Nam Sri Lanka nhìn ra Ấn Ðộ Dương. Việc tàu Viễn Vọng 5 thăm cảng này gây tranh cãi. Bởi vào năm 2017, Sri Lanka đã cho công ty Trung Quốc thuê lại cảng trong vòng 99 năm để có tiền trả các khoản vay từ Bắc Kinh. Ðiều đó làm dấy lên lo ngại rằng thỏa thuận thuê cảng cho phép Trung Quốc tiếp cận tuyến hàng hải quan trọng, khi mà Sri Lanka lâu nay được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của New Delhi. Do vậy, sự hiện diện của con tàu được trang bị công nghệ hiện đại đã khiến các nước láng giềng của Sri Lanka lo lắng.

Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng lo ngại của Ấn Ðộ về sự xuất hiện của Viễn Vọng 5 tại Sri Lanka là vì năng lực giám sát của tàu. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Viễn Vọng 5 do Lực lượng hỗ trợ chiến lược (SSF) thuộc quân đội Trung Quốc vận hành. SSF cũng “vận hành các tàu Viễn Vọng theo dõi vệ tinh và các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Tờ Indian Express của Ấn Ðộ viết rằng: “Phạm vi theo dõi của tàu Viễn Vọng 5 là rất lớn, khoảng 750km, đồng nghĩa nhiều cảng ở các bang Kerala, Tamil Nadu và Andhra Pradesh đều có thể lọt vào radar của Trung Quốc”.

Ðáp lại, Trung Quốc ngày 16-8 khẳng định Viễn Vọng 5 thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học “phù hợp với luật pháp quốc tế”. “Tàu không ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích kinh tế của bất cứ quốc gia nào và các bên thứ ba không nên can thiệp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ.

Sri Lanka mắc kẹt giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Tàu Viễn Vọng 5 được xem là biểu tượng cho căng thẳng gia tăng giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc, hai quốc gia đều hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka trong bối cảnh nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.

Ấn Ðộ đã tiếp sức cho Sri Lanka khi nước này khan hiếm lương thực, nhiên liệu và thuốc men. New Delhi đã mở rộng hạn mức tín dụng với đảo quốc Nam Á lên 4 tỉ USD, nhằm giúp Colombo tái cơ cấu nợ và có ngoại tệ để nhập hàng thiết yếu. Trong nỗ lực nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng với Bắc Kinh, New Delhi ngày 15-8 đã trao tặng Colombo một máy bay tuần tra biển Dornier 228.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, chiếm hơn 10% nợ nước ngoài của hòn đảo. Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực tái cơ cấu nợ của Colombo để nước này đủ điều kiện nhận gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. “Sri Lanka là trung tâm trung chuyển lý tưởng đối với hàng hóa xuất và nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng đồng thời Colombo vẫn có ý nghĩa chiến lược đối với Ấn Ðộ”, Sushant Singh, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, nhận định.

Phép thử của Bắc Kinh?

Trung Quốc trong nhiều thập niên đã đầu tư vào Sri Lanka ở thời điểm phần lớn cộng đồng quốc tế đều quay lưng. Khi các quốc gia phương Tây từ chối tài trợ cho Sri Lanka do vấn đề nhân quyền trong cuộc nội chiến kết thúc năm 2009, Trung Quốc nhảy vào viện trợ kinh tế cho chính phủ nước này. Giai đoạn 2005-2017, Trung Quốc đã rót gần 15 tỉ USD vào Sri Lanka, nhưng khi lợi thế kinh tế của đảo quốc trở nên phai mờ, Bắc Kinh chật vật thu hồi nợ để rồi hai nước đồng ý về thỏa thuận thuê cảng Hambantota. Ganeshan Wignaraja, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ODI Global (Anh), cho rằng bằng cách điều tàu Viễn Vọng 5 đến Hambantota, Trung Quốc đang kiểm tra những giới hạn của thỏa thuận đó.

Chia sẻ bài viết