Những cuộc rượt đuổi dậy sóng giữa tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu hải giám, tuần tra của Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa lắng dịu thì sự xuất hiện táo bạo hơn của hàng chục tàu cá, tàu bảo vệ biển của Đài Loan tại đây ngày 25-9 đã gây ra vụ "bắn" vòi ròng, làm phức tạp thêm tình hình an ninh trên Biển Hoa Đông đang tranh chấp đầy căng thẳng.
Tàu Đài Loan nguy hiểm hơn cả tàu Trung Quốc
Hãng tin AFP và Reuters cho biết tàu tuần dương Nhật Bản là bên đã chủ động "nã" vòi ròng về phía tàu tuần tra của Đài Loan trước khi bị đối phương đáp trả bằng vòi ròng áp suất cao.
 |
Tàu Nhật truy đuổi tàu Đài Loan ngày 25-9. Ảnh: Reuters |
Lực lượng Bảo vệ biển Nhật Bản cho biết sáng 25-9, có khoảng 40 tàu đánh cá và 8 tàu tuần dương Đài Loan xâm phạm vùng biển gần Uotsuri, đảo lớn nhất trong quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài. Theo hãng tin Mỹ AP, đây là lần đầu tiên một đội tàu hùng hậu của Đài Loan xâm nhập vùng biển đang tranh chấp dữ dội kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo lớn nhất tại đây hồi đầu tháng này. Một phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ biển Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo cho hay đây là lần xâm phạm vùng biển Nhật Bản mới nhất và lớn nhất của Đài Loan từ năm 1996, năm mà có tới 41 tàu chở người Đài Loan và Hồng Công vào Senkaku/Điếu Ngư Đài để khẳng định chủ quyền.
Người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ biển Đài Loan thì xác nhận có gần 60 tàu Đài Loan, trong đó có ít nhất 10 tàu tuần tra, tiến gần đến quần đảo Điếu Ngư Đài trong vài giờ đồng hồ trước khi rút đi. Người đứng đầu Hiệp hội nghề cá Suao của Đài Loan Chen Chun-sheng thì nói họ đưa hơn 60 tàu đánh cá chở theo khoảng 300 ngư dân và 60 phóng viên đến Điếu Ngư Đài để đòi hỏi quyền đánh cá "trên ngư trường truyền thống của mình từ hàng thế kỷ qua", đồng thời tuyên bố: "Chúng ta cam kết sẽ dùng mạng sống để bảo vệ ngư trường này hoặc chúng ta sẽ hổ thẹn trước các bậc tiền nhân". Còn AFP cho biết trên tàu tuần tra của Đài Loan có nhiều sĩ quan tinh nhuệ và được trang bị vũ khí đầy đủ. Phát biểu trước Quốc hội Đài Loan, người đứng đầu Cục Bảo vệ biển Đài Loan Wang Chin-wang khẳng định: "Chúng ta sẽ làm mọi thứ để bảo vệ ngư dân. Chúng ta không loại trừ sử dụng sức mạnh để đánh trả nếu phía Nhật Bản hành động như vậy".
Người phát ngôn chính phủ-Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết chính quyền Tokyo đã gởi công hàm phản đối tới Đài Bắc, nhưng cho biết nước này sẽ xử sự tình hình một cách khéo léo nhất có thể. Ông yêu cầu các cơ quan liên quan của Nhật phải tiếp tục hợp tác hành động chặt chẽ , nhưng nhấn mạnh "dưới ánh sáng quan hệ tốt đẹp và hữu nghị Nhật-Đài, lập trường của Tokyo là chúng ta phải giải quyết vấn đề một cách hòa bình và bình tĩnh". Reuters cho rằng Đài Loan từ lâu có các mối quan hệ thân thiện với Nhật Bản, nhưng hai bên vẫn thường xuyên tranh cãi ầm ĩ về quyền đánh cá tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài.
Hành động của Đài Loan vốn được các nhà quan sát ví như là "ăn theo" Trung Quốc, nhưng đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Hoa Đông.
Tham vọng từ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết ngày 25-9, nước này đã chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên của mình có tên là Liêu Ninh vào biên chế "nhằm nâng cao mức độ hiện đại hóa của các lực lượng tác chiến hải quân Trung Quốc". Trang web của bộ này nói thêm, hàng không mẫu hạm sẽ giúp Trung Quốc "bảo vệ có hiệu quả lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia". Viết trên tờ Trung Hoa Nhật báo ngày 25-9, Thiếu tướng hải quân Yang Yi nói rằng Trung Quốc nên có tàu sân bay riêng, bởi nước này "đang có các lợi ích ngày càng tăng tại các vùng biển nước sâu, hàng hải rộng lớn không chỉ tại Trung Quốc mà cả ở hải ngoại".
Trước những bình luận của các nhà phân tích cho rằng con tàu "phế thải" mua của Ukraina từ năm 1998 mới được tân trang này có vai trò rất hạn chế, chỉ phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trước khi nước này có thể tự đóng một chiếc riêng vào năm 2015, giới tướng lĩnh quân đội và chuyên gia quân sự Trung Quốc hôm 24-9 nói rằng tàu Liêu Ninh có thể sớm được các loại tàu khu trục có trang bị tên lửa đi theo hộ tống để hình thành một hạm đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu. Giáo sư Hu Siyuan thuộc Đại học Quốc phòng cho hay Trung Quốc đang cải tiến tàu khu trục có trang bị tên lửa 052D tương đương với tàu khu trục Aegis của Mỹ nhưng mạnh hơn bất cứ tàu chiến lớn nào của Nhật Bản.
Trong khi đó, sau cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai và người đồng cấp Trung Quốc Trương Chí Quân tại Bắc Kinh sáng 25-9, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông báo nêu rõ: "Trung Quốc sẽ không bao giờ tha thứ bất kỳ những hành động đơn phương nào của Nhật Bản làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc". Ông Trương kêu gọi Nhật Bản phải "xóa tan những ảo tưởng và hành động cụ thể để sửa chữa lỗi lầm, thực hiện các thỏa thuận và nhận thức đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước".
KIẾN HÒA (Tổng hợp)