17/08/2019 - 18:33

Tạo động lực và triển vọng mới cho hợp tác song phương Việt-Úc 

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 2019.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Úc trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Úc Scott Morrison, Đại sứ Việt Nam tại Úc Ngô Hướng Nam cho biết chuyến thăm này được kỳ vọng tạo động lực và triển vọng mới cho hợp tác song phương Việt-Úc.

Những tiến triển mới trong quan hệ hai nước

Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Úc được thiết lập trong chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 3-2018, đúng vào dịp hai bên kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác. Hơn một năm qua, hai bên đã tích cực triển khai tất cả 5 trụ cột hợp tác đề ra trong Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, mang lại những biến đổi cả về lượng và chất, góp phần nâng tầm quan hệ hai nước.

Nét nổi bật là sự gia tăng lợi ích tương đồng và tin cậy lẫn nhau, thể hiện qua một loạt cuộc gặp, chuyến thăm ở các cấp, kể cả cấp cao giữa hai nước. Quan hệ kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác hai nước, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt gần 7 tỉ USD.  Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.  Úc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 19 của Việt Nam với số vốn hơn 1,9 tỉ USD. Vừa qua, lần đầu tiên 7 địa phương Việt Nam đã tham gia quảng bá, xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư tại nhiều các bang, thành phố lớn của Úc. Một điểm mới, đáng mừng nữa là một số doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam như VinGroup, TH Group, VietJet bước đầu triển khai các dự án hợp tác, đầu tư tại Úc.

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Úc cho Việt Nam tiếp tục được duy trì ở mức cao, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách kinh tế và phát triển nguồn nhân lực ở nước ta. Cầu Cao Lãnh được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 5-2018, giúp cải thiện sinh kế người dân hai bờ sông Tiền và là biểu tượng cho quan hệ gần gũi, hợp tác hiệu quả giữa hai nước.

Hợp tác an ninh-quốc phòng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với việc hai bên ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung, góp phần định hướng và tạo khuôn khổ hợp tác dài hạn trong lĩnh vực này, góp phần thiết thực kỷ niệm 20 năm hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong năm 2018. Úc tích cực hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam và là nước đầu tiên hợp tác với Việt Nam trong vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra nước ngoài khi hỗ trợ chuyển bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan. Hai bên cũng tăng cường trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ huấn luyện - đào tạo và thăm tàu. Trong hơn một năm qua, đã có 3 tàu Hải quân Hoàng gia Úc cập cảng thành phố Hồ Chí Minh (4-2018) và lần đầu tiên 2 tàu thăm cảng Cam Ranh (5-2019). Hai bên cũng tích cực hỗ trợ nhau tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh. Trong lĩnh vực an ninh, lần đầu tiên hai nước thiết lập cơ chế Đối thoại An ninh hàng năm cấp Thứ trưởng và cuộc họp lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng 11-2018.

  Ngày 16-8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13-8-2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

 Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

Hợp tác khoa học-công nghệ, nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao cho quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Một số nhà khoa học Úc sang Việt Nam tham dự các chương trình, hoạt động khoa học-công nghệ, kết nối mạng lưới sáng tạo với các Viện Nghiên cứu của Việt Nam. Nhiều công nghệ mới và sáng chế của Úc được ứng dụng ở Việt Nam. Đáng chú ý, ngoài trái vải, xoài, trái thanh long Việt Nam cũng đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc.

Hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân tiếp tục được mở rộng. Hai bên tích cực triển khai Thỏa thuận hợp tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023. Úc hiện là điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam. Hiện có khoảng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang du học tại Úc, là cộng đồng sinh viên nước ngoài lớn thứ 5 tại Úc. Ở chiều ngược lại, khoảng 1.000 sinh viên Úc đang học tập, giao lưu tại Việt Nam theo Kế hoạch Colombo mới.

Hợp tác, phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương ngày càng hiệu quả, thực chất. Đáng chú ý, sau khi Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai nước là thành thành viên đi vào triển khai đầu năm 2019, Việt Nam và Úc đang tích cực phối hợp thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo lộ trình. Úc  là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và khẳng định hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Một số điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm

Về một số điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Scott Morrison, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho hay điểm nhấn quan trọng nhất là hai nước tiếp tục nâng tầm quan hệ trên cơ sở tin cậy, gắn bó và cùng có lợi. Việc Thủ tướng Morrison quyết định thăm Việt Nam không lâu sau khi tái cử vào tháng 5-2019 cho thấy Úc coi trọng Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Úc. Có thể khẳng định, hai nước còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ, thắt chặt quan hệ an ninh và phát triển đối tác đổi mới, sáng tạo.

Điểm nhấn tiếp theo là thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế. Hai bên sẽ phát triển Chiến lược can dự kinh tế tăng cường với mục tiêu tham vọng; phấn đấu trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược và sẽ tiếp tục phát triển vững chắc khi Việt Nam đẩy mạnh cải cách, hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp tăng cường và mở rộng hợp tác. Cùng với đó, việc hai nước đẩy mạnh triển khai CPTPP sẽ là cú hích mạnh mẽ, góp phần gia tăng kim ngạch thương mại và đầu tư giữa hai nước. 

Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: AAP

Theo đó, chuyến thăm của Thủ tướng Scott Morrison được kỳ vọng tạo động lực và triển vọng mới, mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác song phương; đặc biệt trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia...

Trong đó, trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông vừa qua, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược khu vực và thế giới cùng quan tâm; bao gồm an ninh năng lượng, nguồn nước, biến đổi khí hậu, an ninh an toàn và tự do hàng hải. Bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải, hàng không, thượng tôn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982, không có các hành động cưỡng ép đơn phương, thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng là mối quan tâm  chung không chỉ của Úc và Việt Nam mà là của toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

P.V (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết