(CT) - Sáng 12-2, Cục Y tế dự phòng tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành về tăng cường phòng, chống bệnh sởi và bệnh cúm. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, các khoa, phòng... tham dự.
![Tăng cường phòng bệnh sởi, cúm](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250212/images/TIEM.webp)
TP Cần Thơ là một trong các tỉnh, thành chủ động tiêm sớm, tiêm nhanh vaccine phòng, chống bệnh sởi cho trẻ.
Năm 2024, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận khoảng 289.000 ca cúm mùa, với 8 ca tử vong. Mặc dù số ca mắc giảm so với năm 2023, nhưng từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 912 ca cúm. Ðiều này cho thấy xu hướng gia tăng cục bộ sau kỳ nghỉ Tết, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus lưu hành và sự di chuyển, tụ tập đông người.
Một số bệnh viện lớn tại Hà Nội (như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) ghi nhận sự gia tăng của các ca cúm nặng, đặc biệt ở nhóm người có bệnh nền và người cao tuổi. Nhiều ca mắc đã phải nhập viện và một số bệnh nhân cần hỗ trợ thở máy (ECMO) do tình trạng suy hô hấp nặng. Ðiều này cho thấy mặc dù virus chưa thay đổi độc lực, nhưng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vẫn gặp nguy cơ cao.
Tại TP Cần Thơ, năm 2024, theo CDC Cần Thơ, thành phố ghi nhận 91 trường hợp dương tính sởi, 250 trường hợp sởi chẩn đoán lâm sàng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Năm 2025 (từ 1-1 đến ngày 11-2), ghi nhận 2 trường hợp dương tính sởi, 135 trường hợp sởi chẩn đoán lâm sàng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. CDC Cần Thơ đánh giá số trường hợp sốt phát ban nghi sởi tháng 1-2025 so cùng kỳ tăng cao, dự đoán tình hình bệnh sởi còn diễn biến phức tạp trong quý I-2025.
Tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh, thành đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng; đảm bảo kinh phí và huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Ðặc biệt là triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn. Theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị... Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường công tác truyền thông tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh.
Về bệnh sởi, theo đánh giá của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ở khu vực phía Nam bệnh còn diễn tiến phức tạp. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương rà soát lại đối tượng để tiếp tục tiêm bổ sung vaccine; chủ động điều tra tỷ lệ tiêm cộng đồng để đánh giá chiến dịch thực chất.
Tin, ảnh: H.HOA