Tân Thủ tướng Francois Bayrou ngày 13-12 cho biết ông nhận thức sâu sắc về quy mô của các vấn đề tài chính và chính trị ở nước Pháp, so sánh mức thâm hụt ngân sách hiện nay với nhiệm vụ “vượt dãy Himalaya”.
Tân Thủ tướng Bayrou (trái) là đồng minh lâu năm của Tổng thống Macron. Ảnh: Getty Images
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao công việc với người tiền nhiệm Michel Barnier, vị tân Thủ tướng 71 tuổi chia sẻ: “Không ai biết rõ hơn tôi về mức độ khó khăn của tình hình”. Đề cập đến mức thâm hụt ngân sách 6,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay của Pháp, ông nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn nhận thức được dãy Himalaya đang rình rập phía trước chúng ta”, vì vậy, nhiệm vụ kiềm chế tình trạng thâm hụt và giảm “núi nợ” không chỉ là ưu tiên chính trị mà còn là “nghĩa vụ đạo đức”.
Những nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng thâm hụt ngân sách là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở Pháp. Cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng liệu ông Emmanuel Macron có hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống thứ hai cho đến năm 2027 hay không, đồng thời khiến chi phí vay mượn của nước Pháp tăng cao và để lại khoảng trống quyền lực ở trung tâm châu Âu. Do đó, ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Bayrou sẽ là thông qua đạo luật đặc biệt để điều chỉnh ngân sách năm 2024, trong khi một cuộc chiến khốc liệt hơn liên quan đến dự toán ngân sách 2025 sẽ diễn ra vào đầu năm tới.
Ông Bayrou - lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) - là chính trị gia có quan điểm trung dung và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Macron. Ông Bayrou là thủ tướng thứ 4 trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron.
Một câu hỏi lớn hiện nay là liệu ông Bayrou có thể đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập, từ cánh hữu đến cánh tả, để duy trì sự ổn định của chính phủ và tránh nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm như người tiền nhiệm hay không. Việc bổ nhiệm một nhân vật từ phe tổng thống vào chức vụ thủ tướng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng cực tả và cực hữu. Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới, trong khi đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) cũng cảnh báo sẽ đưa ra lựa chọn nếu chính phủ vượt qua các “lằn ranh đỏ” mà họ đã vạch ra. Ngoài ra, Thủ tướng Bayrou cũng phải đối mặt với sự phản đối từ đảng Xã hội (PS).
Trong khi đó, hãng Moody’s hôm 13-12 đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp do lo ngại tình hình chính trị ở quốc gia này có thể làm suy yếu đáng kể tài chính công. Cụ thể, Moody’s xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ mức Aa2 xuống Aa3, song vẫn duy trì đánh giá triển vọng ở mức ổn định. Đây là quyết định nằm ngoài lịch trình đánh giá thường kỳ của Moody’s đối với Pháp và có thể làm gia tăng áp lực đối với tân Thủ tướng Bayrou trong việc tập hợp các nhóm chính trị trong Quốc hội để tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025.
TTXVN