14/12/2024 - 08:57

Đồng bộ các giải pháp để tăng sức hút của xe buýt 

TP Cần Thơ không ngừng triển khai các giải pháp nâng chất hoạt động xe buýt. Thành phố quan tâm phát triển, điều chỉnh mạng lưới tuyến phù hợp nhu cầu người dân. Ðồng thời thường xuyên nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt… Qua đó, thúc đẩy loại hình vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện di chuyển tiện lợi với nhiều người dân, góp phần giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường…

Hoạt động xe buýt trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Xây dựng mạng lưới tuyến phù hợp

Theo ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, để tăng sức hút của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt và sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện hữu; đồng thời, nghiên cứu, khảo sát, tiếp tục mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt. Qua đó, tăng năng lực kết nối hiệu quả giữa vùng nông thôn đến trung tâm thành phố và khu vực các tỉnh lân cận của mạng lưới xe buýt…

Qua khảo sát thực tế nhu cầu hành khách, ngày 11-12 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ có văn bản thống nhất cho Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines điều chỉnh một số tuyến xe buýt nội tỉnh nhằm tối ưu năng lực phục vụ, mang đến dịch vụ chất lượng hơn cho hành khách. Cụ thể:

- Tuyến Ô Môn - Vĩnh Thạnh (MST: CT-05) kéo dài đoạn tuyến từ thị trấn Cờ Ðỏ đến xã Thới Ðông (chợ Nóc Băng), cự ly 34km. Hành trình tuyến: Bến xe buýt Ô Môn - quốc lộ 91 - đường 26 tháng 3 - đường tỉnh 922 cũ - đường tỉnh 919 - Khu di tích An Nam Cộng sản Ðảng (thị trấn Cờ Ðỏ) - đường huyện 32 - xã Thới Ðông (chợ Nóc Bằng) và ngược lại.

- Tuyến Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Ðiền (MST: CT-08), cự ly 40km, điểm đầu tuyến tại Công viên sông Hậu và điểm cuối tuyến tại Khu di tích Ông Hào (huyện Phong Ðiền). Hành trình tuyến: Công Viên Sông Hậu - đường Sông Hậu - cầu Ninh Kiều - Ðại lộ Hòa Bình - đường Mậu Thân - đường Trần Hưng Ðạo - đường Hùng Vương - vòng xoay Hùng Vương - đường Cách mạng Tháng 8 - đường Lê Hồng Phong - đường Nguyễn Truyền Thanh - đường tỉnh 918 - đường tỉnh 923 - xã Giai Xuân - đường Nguyễn Thái Bình - đường Phan Văn Trị - điểm trung chuyển quảng trường huyện Phong Ðiền - đường tỉnh 926 (xã Trường Long) - Khu di tích Ông Hào và ngược lại.

- Tuyến Phong Ðiền - lộ tẻ Ba Se - Ô Môn (MST: CT-09), kéo dài đoạn tuyến từ huyện Phong Ðiền đến trung tâm thành phố và Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, cự ly 46km. Hành trình tuyến: Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - đường Nguyễn Văn Cừ - đường Nguyễn Văn Linh (Bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ) - đường Nguyễn Văn Cừ - đường tỉnh 923 - đường Phan Văn Trị - điểm trung chuyển quảng trường huyện Phong Ðiền - đường tỉnh 923 - phường Trường Lạc - lộ tẻ Ba Se - quốc lộ 91 - đường Trần Hưng Ðạo (quận Ô Môn) - đường 26 tháng 3 - quốc lộ 91 -
Ô Môn và ngược lại.

Bên cạnh đó, tạm thời ngưng hoạt động tuyến công viên sông Hậu - thị trấn Phong Ðiền (MST: CT-02). Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tuyến này sẽ hoạt động trở lại để kết nối trung tâm với các quận, huyện nhằm phục vụ hành khách. Như vậy, trên địa bàn TP Cần Thơ đang hoạt động 9 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá và 10 tuyến xe buýt liền kề với các tỉnh lân cận. Hiện có 3 tuyến xe buýt liền kề đang trong quá trình lựa chọn đơn vị khai thác, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024 hoặc quý I-2025…

Tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng

TP Cần Thơ đã triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà chờ, trạm dừng xe buýt theo hướng văn minh, hiện đại. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, mà còn góp phần tô đẹp diện mạo đô thị. Thành phố đã đầu tư hơn 21 tỉ đồng xây dựng 70 nhà chờ khang trang, hiện đại tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy; 431 trạm dừng xe buýt lắp đặt trụ biển báo điểm dừng xe buýt, kết hợp với biển thông tin tuyến và biển tuyên truyền, quảng cáo. Hằng năm, thành phố chi ngân sách đầu tư duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng xe buýt như sơn kẻ vạch dừng chờ xe buýt, thay thế và lắp mới biển báo, sơn sửa các nhà chờ; triển khai công tác vệ sinh; xây dựng các nhà chờ xe buýt trên địa bàn các quận Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh… nhằm bảo đảm an toàn kết cấu, an toàn giao thông cũng như tiện nghi cho hành khách khi chờ xe buýt. Trên toàn địa bàn thành phố hiện có 1.590 điểm dừng đón, trả khách xe buýt. Trong đó có 116 nhà chờ xe buýt; 1.474 trạm dừng và 4 trạm trung chuyển.

Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống nhà chờ, trạm dừng xuất hiện tình trạng bị chiếm dụng làm mục đích riêng hay là nơi tập kết rác thải. Tại một số vị trí vẫn có ôtô đậu, gây khó khăn cho xe buýt lẫn hành khách khi dừng đón, trả khách. Những điều này vô hình chung khiến cho những nhà chờ, trạm dừng xe buýt vốn hiện đại là điểm nhấn đô thị lại trở nên nhếch nhác, lộn xộn, dẫn đến việc người dân khá e ngại khi sử dụng xe buýt.

Trước thực trạng trên, theo ông Nguyễn Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Sở Giao thông vận tải thành phố đã chỉ đạo thanh tra sở chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát các khu vực nhà chờ, trạm dừng, vạch dừng đỗ xe buýt. Ðồng thời, tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân không chiếm dụng, sử dụng trái phép khu vực nhà chờ, trạm dừng, vạch dừng đỗ xe buýt, sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật nếu không chấp hành. Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể quản lý, lập lại trật tự tại các khu vực nhà chờ, trạm dừng, vạch dừng đỗ xe buýt trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tuyến xe buýt...

Bài, ảnh: KIM PHÚC

Chia sẻ bài viết