Theo các nghiên cứu về bệnh lý tăng huyết áp trong nước và thế giới, chỉ khoảng 20% bệnh nhân tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch ghi nhận, huyết áp khó kiểm soát do nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen uống thuốc không đúng cách, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng đe dọa sức khỏe.
Cán bộ Trạm Y tế xã Đông Thuận, huyện Thới Lai tư vấn người bệnh chế độ sinh hoạt phòng ngừa tăng huyết áp.
Tại hội thảo về kiểm soát hiệu quả bệnh tăng huyết áp mới đây, BS Dương Phước Long, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, người bệnh tăng huyết áp, nhất là người cao tuổi hay có thói quen “bớt liều, bỏ thuốc”, uống theo kiểu “lên thì uống, xuống lại thôi”. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận nguyên nhân bệnh nhân bỏ thuốc, bớt liều vì nghĩ thuốc tây là “con dao hai lưỡi” nên chuộng các bài thuốc dân gian, truyền miệng hơn, thậm chí uống thuốc theo lời đồn. Không ít trường hợp uống thuốc thất thường dẫn đến các biến chứng nặng nề: bệnh phì đại tim, suy tim; tách thành động mạch chủ; suy thận; xuất huyết não, bệnh lý võng mạc tăng huyết áp…
Theo BS Dương Phước Long, mục đích của việc điều trị bệnh lý tăng huyết áp là giảm tỷ lệ tử vong và biến cố tim mạch chứ không đơn thuần là giảm con số huyết áp. Nguyên tắc điều trị tăng huyết áp là đưa huyết áp về trị số bình thường, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, ngăn ngừa biến chứng. Vì vậy, việc điều trị tăng huyết áp cần liên tục và lâu dài.
Thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tăng huyết áp, Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ với gần 5.500 người trưởng thành, đại diện cho các nhóm đối tượng và vùng địa lý khác nhau trên toàn quốc. Kết quả, hơn 47% trường hợp bị tăng huyết áp và gần 40% người mắc bệnh không được phát hiện. Đặc biệt, cứ 10 bệnh nhân tăng huyết áp, chỉ có khoảng 2 người bệnh đạt mục tiêu kiểm soát được huyết áp.
Hội Tim mạch học Việt Nam khuyến cáo, đích điều trị tăng huyết áp đặt ra mục tiêu đầu tiên là huyết áp tâm thu <140mmHg và huyết áp tâm trương <80mmHg. Quá trình thực hiện phác đồ điều trị tiến tới mục tiêu huyết áp tâm thu <130mmHg và huyết áp tâm trương <80mmHg ở hầu hết bệnh nhân tới 79 tuổi. Tuy nhiên, việc kiểm soát huyết áp ở người cao tuổi có nhiều khó khăn, do người cao tuổi thường mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy thận. Người bệnh tăng huyết áp cần được điều trị kết hợp và lựa chọn thuốc hợp lý với từng bệnh cảnh. Mỗi bệnh nhân cần được đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể. Đặc biệt, người bệnh tăng huyết áp không được tự ý thay đổi liều thuốc. Việc giảm liều, ngưng liều phải do quyết định của bác sĩ điều trị. Về cơ bản, bệnh tăng huyết áp cần được điều trị suốt đời. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc thay thuốc - giảm liều - kết hợp thuốc hoặc ngưng liều khi có tình huống cụ thể.
Theo các chuyên gia y tế, ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, luyện tập thích hợp sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị bệnh tăng huyết áp. Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hiền, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn vệ sinh thực phẩm, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, các yếu tố nguy cơ tim mạch không thể tác động được bao gồm tuổi tác, giới tính và tiền căn gia đình. Tuy nhiên, vẫn có các yếu tố có thể thay đổi được, bao gồm tình trạng bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, lạm dụng rượu, hút thuốc lá và ít vận động. Để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, cần thực hiện mục tiêu thay đổi lối sống bao gồm: hạ huyết áp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác và giảm liều thuốc hạ áp.
Trong chế độ ăn uống, để phòng ngừa và kiểm soát bệnh lý huyết áp, các bác sĩ đặc biệt lưu ý đến việc hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn, dưới 6gram mỗi ngày với người khỏe mạnh và dưới 4gram/ngày với người bị bệnh tăng huyết áp. Mức natri ăn vào quá nhiều làm huyết áp tăng dần lên, khi mức natri giảm, huyết áp cũng giảm xuống nhưng không về mức ban đầu. Quá trình này kéo dài dẫn đến tình trạng tăng huyết áp không hồi phục. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: giảm bớt lượng mắm, muối thêm vào khi nấu nướng; hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế các loại thực phẩm như khô cá, mắm cá; nước chấm nên pha loãng; hạn chế trái cây quá chua để tránh chấm nhiều muối. Người bệnh cũng nên giảm đồ uống có cồn, bỏ thuốc lá và giảm stress. Ngoài ra, kiểm soát huyết áp gồm giảm cân ở người thừa cân, béo phì; thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên các loại rau, trái cây, đậu, hạt, dầu thực vật, cá, thịt gia cầm… Vận động thể lực thường xuyên, liên tục cũng giúp kiểm soát tốt huyết áp.
Tại Cần Thơ, số người trên 40 tuổi chiếm 35% tổng dân số thành phố. Qua khảo sát của Sở Y tế thành phố, hơn 35% người trên 40 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp và 18% mắc đái tháo đường. Ngành y tế đã triển khai chiến lược quản lý và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh tăng huyết áp và những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG