Trong ngắn và trung hạn, đồng USD sẽ vẫn là nền tảng hệ thống dự trữ ngoại hối toàn cầu. Nhưng đồng thời, các chuyên gia tài chính cảnh báo sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” có thể gây ra mối đe dọa vũ khí hóa USD, đẩy nhanh nỗ lực tìm kiếm giải pháp khẳng định vị thế độc tôn của “đồng bạc xanh”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Trump được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm 2024.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ chiếm gần một nửa GDP thế giới, đưa đồng USD lên thành đồng tiền chính của trao đổi và tích trữ trong thương mại quốc tế. Việc các nước sử dụng và nắm giữ đồng USD được gọi là “đô-la hóa”. Nó có nhiều ý nghĩa, nhưng chủ yếu thúc đẩy thương mại toàn cầu khi cho phép giao dịch diễn ra nhanh và tiết kiệm chi phí.
Năm 2023, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ước tính đồng USD tham gia gần 90% giao dịch ngoại hối và chiếm 85% giao dịch thị trường giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi. Một nửa thương mại toàn cầu và 3/4 thương mại châu Á - Thái Bình Dương tính bằng USD. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế Mỹ giảm theo thời gian đã dẫn tới lời kêu gọi từ các đối thủ cạnh tranh về chiến lược “phi USD hóa” và “tách rời” khỏi kinh tế Mỹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đằng sau ý kiến cho rằng thời gian đồng USD thống trị toàn cầu sắp hết. Đặc biệt, có dự đoán tiến trình này bị đẩy nhanh hơn khi ông Trump trở lại sân khấu kinh tế toàn cầu cùng chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”.
Xói mòn lòng tin
Sau chiến thắng của ông Trump vào tháng 11, đồng USD ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3-2020. Theo dự đoán của Wells Fargo Investment Institute, đà tăng của USD sẽ kéo dài đến năm 2025.
Với quan điểm ủng hộ doanh nghiệp, Tổng thống đắc cử Trump có thể nhanh chóng thi hành các biện pháp kích thích tăng trưởng, dẫn đến mức tăng mạnh hơn nữa của đồng USD. Thoạt nhìn, các chính sách cứng rắn sẽ củng cố vị thế đồng bạc xanh so với rổ những đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), bao gồm lời đe dọa áp thuế 100%, thậm chí 200% với thành viên nhóm các nền kinh tế đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) nếu họ tìm cách thay thế đồng USD trong giao dịch quốc tế. Nhưng xem xét kỹ hơn, những chiến thuật này có thể phản tác dụng.
Trước tiên, sự vượt trội của đồng USD có thể tổn hại hoạt động xuất khẩu trong nước khi hàng hóa “Made in USA” đắt hơn giá trị tiền tệ địa phương. Nó cũng đẩy giá dầu và các mặt hàng khác được định giá bằng đồng USD lên cao, dẫn tới tăng chi phí thương mại quốc tế. Ngoài ra, nghiên cứu cho biết các chính sách kinh tế của ông Trump có thể tăng thêm 15.000 tỉ USD nợ quốc gia trong một thập kỷ, hậu quả là làm giảm giá trị của các khoản dự trữ USD và buộc nhiều quốc gia cân nhắc bán trái phiếu kho bạc Mỹ để giảm tỷ lệ nắm giữ đồng USD.
Việc biến đồng USD thành vũ khí có nguy cơ làm xói mòn lòng tin không chỉ ở đối thủ mà còn giữa các đồng minh của Mỹ. Trong kịch bản tệ nhất, nếu các nước phối hợp bán USD lẫn trái phiếu kho bạc sẽ dẫn tới chi phí nợ cao hơn ở Mỹ, ảnh hưởng nhu cầu giảm thâm hụt thương mại. Trên toàn cầu, nó sẽ gây ra gián đoạn thương mại, tăng phí giao dịch và làm mất giá bất kỳ tài sản và dự trữ nào tính bằng USD. Điều này rất có thể dẫn đến suy thoái.
Chiến dịch “phi đô-la hóa”
Để tránh những rủi ro trên, giới phân tích cho rằng các nước sẽ chấp nhận một số lựa chọn thay thế tiền tệ dự trữ và phương tiện thanh toán quốc tế. Những nỗ lực như thúc đẩy sử dụng đồng euro nhiều hơn trong thương mại năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) là minh chứng cho sự bất an ngày càng gia tăng. Vốn cảnh giác với ý định của Washington sử dụng đồng USD như vũ khí địa chính trị, nhóm BRICS vài năm gần đây đã đề xuất loại tiền tệ riêng, có thể xoay quanh một hoặc nhiều loại tiền tệ hiện có như euro hoặc đồng nhân dân tệ.
Đi đầu nỗ lực thay đổi, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại song phương và quan hệ đối tác theo Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, chuyển từ tài sản tính bằng USD sang vàng và các loại tiền tệ khác. Thí nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của họ cũng là một phần của tham vọng này. Những động thái đó tuy chưa thể hạ bệ đồng USD ngay lập tức, nhưng giảm bớt rủi ro trước áp lực kinh tế của Mỹ và giúp Bắc Kinh tự do theo đuổi các mục tiêu chiến lược đảm bảo vị thế như một siêu cường toàn cầu.
Viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 30-11, ông Trump nhấn mạnh: “Ý tưởng cho rằng các quốc gia BRICS đang cố gắng tránh xa đồng đô-la Mỹ, trong khi chúng ta khoanh tay đứng nhìn đã qua rồi! Chúng ta yêu cầu các quốc gia này cam kết sẽ không tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới, cũng như không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng đô-la Mỹ hùng mạnh. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và nói lời tạm biệt với việc bán hàng vào nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ”. Ông Trump mạnh mẽ tuyên bố “không có cơ hội nào” để BRICS có thể thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế. Nga đã lên tiếng cho rằng nếu Washington dùng đến “vũ lực kinh tế” để buộc các nước khác sử dụng đồng USD, thì điều đó sẽ đem lại kết quả ngược sự mong đợi.
MAI QUYÊN (Theo CNA, Asia Times)