13/12/2024 - 11:13

“Công tử Bạc Liêu” khai thác các giai thoại theo góc độ tích cực 

Lấy cảm hứng từ những giai thoại nổi tiếng về một nhân vật có thật, bộ phim “Công tử Bạc Liêu” là tác phẩm điện ảnh đầu tiên khai thác câu chuyện về vị công tử chịu chơi nhất Nam Kỳ xưa. Phim có màu sắc tươi sáng, hài hước và đi theo hướng tích cực khi kể về hành trình trưởng thành, nhận ra giá trị bản thân của một thiếu gia chơi ngông đệ nhất. Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Công tử Bạc Liêu (Song Luân) và ông Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc) trong phim.

Lấy bối cảnh năm 1930, phim kể về cậu Ba Hơn (Song Luân), con trai cưng của ông Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc) nổi tiếng giàu có ở Bạc Liêu. Sau khi du học Pháp trở về, cậu tiếp quản nhà băng đầu tiên của người Việt từ tay cha cậu. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cha, cậu Ba chỉ xem ngân hàng là công cụ kiếm tiền để mua chiếc máy bay mà cậu ao ước và tổ chức các cuộc chơi xa hoa. Không nghe lời cảnh báo của cha cho đến khi sự cố xảy ra, đẩy sản nghiệp của gia tộc đến bờ vực phá sản, Ba Hơn mới thấm thía lời cha dạy...

Có thể thấy, đạo diễn Lý Minh Thắng chỉ mượn cảm hứng từ một số giai thoại về ông Trần Trinh Huy (“Công tử Bạc Liêu” ngoài đời thực), do đó, phim không theo sát cuộc đời của nguyên mẫu mà được sáng tác câu chuyện độc lập với hệ thống nhân vật riêng. Những giai thoại nổi tiếng của Công tử Bạc Liêu như đốt tiền nấu chè, tổ chức cuộc thi đấu xảo sắc đẹp, thi đấm bốc, mua phi cơ riêng… đều được tái hiện khá chi tiết, nhưng có dụng ý sâu xa hơn. Đó là Ba Hơn muốn mượn những sự kiện đó để thu hút sự chú ý của mọi người, kéo được lượng lớn nguồn tiền gửi vào nhà băng của mình. Mặt khác, phía sau lớp vỏ hào nhoáng của cậu công tử là sự cô đơn, là những khát khao vượt ra khỏi cái bóng của người cha và mong mỏi được khẳng định bản thân. Bên cạnh đó, sự khác biệt thế hệ giữa 2 cha con ông Hội đồng Lịnh được khắc họa rõ nét trong tính cách, suy nghĩ và hành động của nhân vật, tạo nên những xung đột, mâu thuẫn để đẩy kịch tính của phim lên cao. Cuối cùng, cậu Ba nhận ra những sai lầm và có được bài học đắt giá, từ đó tu chí làm ăn...

Phim còn là lời nhắc nhở về giá trị của cuộc sống, về cách mỗi người cần đối diện với chính mình để trưởng thành. Điều đáng tiếc là phim vẫn còn an toàn khi hậu quả của cậu Ba gây ra được giải quyết nhẹ nhàng, dễ dàng, chưa đủ sức để khiến khán giả phải khóc, cười cùng nhân vật. Kịch bản đôi chỗ còn lỏng lẻo và chưa hợp lý.

Diễn viên Song Luân trong vai cậu Ba Hơn đã nỗ lực rất nhiều khi trau dồi diễn xuất, học nói tiếng Pháp, nhuộm da… thể hiện được phong thái của một công tử dần trưởng thành sau những vấp ngã. Đặc biệt, cặp đôi “oan gia” Hội đồng Lịnh và Bá hộ Kim do NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu đảm nhiệm thật sự tạo được ấn tượng tốt với khán giả. Bởi ngoài diễn xuất của 2 diễn viên kỳ cựu thì cách xây dựng hình tượng 2 nhân vật này rất thuyết phục. Ông Hội đồng Lịnh dù là người giàu có, của cải ba đời ăn không hết nhưng ông không chiều theo mọi yêu cầu của con mà lại hết mực nghiêm khắc răn dạy. Ông cũng là người ảnh hưởng trực tiếp đến những thay đổi của cậu Ba Hơn và những lời khuyên của ông dành cho con trai thực sự rất ý nghĩa. Bá hộ Kim tuy tâm cơ sâu xa nhưng sau khi đánh bại con trai của đối thủ vẫn chọn vì đại cuộc, vì danh dự, lợi ích của người Việt mà làm chuyện tốt. Hoa hậu Đoàn Thiên Ân lần đầu chạm ngõ điện ảnh trong vai cô đào hát Bảy Loan cũng khá tròn vai, dù nhân vật không có nhiều đất diễn.

Điểm sáng nhất của phim chính là khâu bối cảnh, trang phục, đạo cụ được đầu tư chỉn chu, tái hiện khá chân thực hình ảnh miền Tây và Sài Gòn những năm 1930. Phim có nhiều cảnh quay tại Di tích Nhà Công tử Bạc Liêu, khu nhà cổ ở quận Bình Thủy, Cần Thơ… góp phần quảng bá du lịch cho các địa phương.

CÁT ĐẰNG

 

Chia sẻ bài viết