13/12/2024 - 11:13

Vì sao EFL chuộng các cầu thủ Nhật? 

Nhiều yếu tố cộng lại đang biến J1 League, giải đấu hàng đầu của Nhật Bản, trở thành thị trường mới nổi cho các đội bóng thuộc giải hạng Nhất Anh (EFL).

Tiền đạo người Nhật Yu Hirakawa tranh bóng tại giải EFL. Ảnh: PA Wire

8 trong số 24 đội ở EFL hiện có một cầu thủ Nhật Bản trong danh sách dự giải. Còn ở League One, một hạng đấu thấp hơn trong hệ thống giải đấu của Anh, CLB Birmingham cũng đã chiêu mộ Tomoki Iwata và Ayumu Yokoyama hồi hè này.

Giải thích xu hướng trên, Tim Keech, đồng sáng lập công ty tư vấn MRKT Insights (Anh), cho rằng điều chỉnh các quy tắc về giấy phép lao động là một sự thay đổi lớn. Các quy tắc sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), với hệ thống dựa trên điểm số, có nghĩa J1 League trở thành nơi mà các đội có thể mua sắm. Trước Brexit, theo các quy tắc tự do đi lại của Liên minh châu Âu, các đội chỉ có thể ký hợp đồng với những cầu thủ Nhật đang thi đấu ở nước ngoài, chứ không được chiêu mộ các cầu thủ ở J1 League.

Bên cạnh đó, việc một số cầu thủ Nhật từng giúp CLB Celtic vô địch giải Ngoại hạng Scotland 2 năm liên tiếp, cùng với thành công của tiền đạo Kaoru Mitoma tại Brighton cũng gây chú ý. Trong mùa 2022-2023 mà Celtic bảo vệ thành công ngôi vương, Kyogo Furuhashi đã đoạt danh hiệu Giày vàng với 27 bàn thắng. Đây được coi là màn quảng bá hiệu quả cho các cầu thủ đồng hương.

Yếu tố thứ ba là các cầu thủ Nhật Bản có chi phí chuyển nhượng tương đối hợp lý. Mức phí chuyển nhượng của các cầu thủ xứ sở hoa anh đào chỉ vài trăm ngàn bảng Anh, thay vì hàng triệu bảng. Chi phí chiêu mộ trực tiếp những cầu thủ từ Nhật thường rẻ hơn so với các đồng nghiệp từ các quốc gia châu Âu khác hoặc Nam Mỹ.

Đức, Bỉ và Hà Lan là những bến đỗ đầu tiên của các cầu thủ J1 League trước khi chuyển đến Anh thi đấu. Gia nhập Coventry City từ đội bóng Bỉ KV Oostende hồi hè năm ngoái, Tatsuhiro Sakamoto đã trở thành cầu thủ Nhật đến EFL chơi bóng sớm nhất.

Tuy nhiên, trong số 10 cầu thủ Nhật đang tranh tài ở EFL, có 4 người được mua về trực tiếp từ J1 League trong mùa hè này, cho thấy các CLB bắt đầu nhắm đến những tài năng mới nổi trước khi họ chứng minh năng lực tại châu Âu và có giá đắt hơn.

Ngay cả hạng đấu cao nhất của Anh là EPL cũng không sánh kịp EFL về việc tuyển dụng trực tiếp cầu thủ trẻ từ J1 League trong 12 tháng qua. EPL hiện có 5 cầu thủ Nhật và tất cả họ đều từng khoác áo các CLB ở những quốc gia châu Âu khác trước khi đến Anh.

Những câu chuyện thành công của Mitoma cũng như Furuhashi, Daizen Maeda và Reo Hatate tại Celtic, đã thúc đẩy các đội EFL sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Các đội này thường có ít tiền mua sắm hơn so với các “đại gia” EPL.

Thay đổi trong phong cách chơi bóng cũng góp phần tạo nên làn sóng cầu thủ Nhật đổ xô đến EFL. EFL hiện nay đậm chất kỹ thuật hơn so với 10 năm trước. Rất nhiều HLV tại giải đang áp dụng lối đá kiểm soát bóng và chuyền bóng ngắn, tương đồng với J1 League vốn thiên về kỹ thuật hơn là sức mạnh.

MINH DŨNG

 

Chia sẻ bài viết