13/12/2024 - 11:13

Những bước chuyển của nước Mỹ 

2024 là một năm khá đặc biệt đối với người dân Mỹ khi trải qua một mùa bầu cử “vô tiền khoáng hậu”, trong đó những chia rẽ sâu sắc và những vấn đề nội tại tích tụ từ lâu của nước Mỹ được phơi bày.

Chính trị nội bộ Mỹ năm qua diễn biến phức tạp, cạnh tranh đảng phái gay gắt thể hiện qua cuộc tổng tuyển cử với kết quả ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống thứ 47 của Mỹ, đảng Cộng hòa tái lập quyền kiểm soát thượng và hạ viện. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chính đảng ở Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng” khi Phó Tổng thống Kamala Harris thay Tổng thống Joe Biden đại diện cho đảng Dân chủ ra đối đầu với đối thủ sừng sỏ bên đảng Cộng hòa là ông trùm bất động sản Trump. Bất chấp những điều chỉnh chiến thuật của phe Dân chủ, ông Trump đã giành thắng lợi thuyết phục cả về phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri, toàn thắng ở cả 7 bang chiến trường.

Về mặt xã hội, nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ nghiêm trọng về các vấn đề như kiểm soát súng đạn, phá thai, kiểm soát biên giới, ma túy... Những vấn đề này cũng trở thành con bài để hai phe sử dụng chỉ trích lẫn nhau và tranh thủ lá phiếu của cử tri. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một trong những giai đoạn diễn ra sự phân cực sâu sắc nhất trong lòng nước Mỹ, giữa các khối cử tri và trong từng nhóm cử tri, thể hiện rõ qua việc ông Trump hai lần bị mưu sát.

Về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục triển khai chính sách can dự nhằm từng bước khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới và khu vực, trong đó ưu tiên củng cố mạng lưới quan hệ với đồng minh và đối tác, tăng cường các biện pháp nhằm kiềm chế các đối thủ chiến lược là Trung Quốc và Nga, nỗ lực xử lý các điểm nóng, song cũng bộc lộ những hạn chế, bị động. Về đa phương, Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong các cơ chế đa phương như Liên Hiệp Quốc, đặc biệt trong các vấn đề mới nổi như AI, an ninh mạng và biến đổi khí hậu. Với các đồng minh, đối tác, Nhà Trắng quyết tâm củng cố quan hệ song phương thông qua nhiều chuyến thăm cấp bộ trưởng và nguyên thủ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên nền tảng củng cố quan hệ song phương, Mỹ đã xây dựng một mạng lưới các đối tác “cùng chí hướng” nhằm giải quyết các thách thức chung, gồm các cơ chế hợp tác tiểu đa phương như Thỏa thuận an ninh ba bên tăng cường (AUKUS), Bộ Tứ (QUAD) cùng các liên kết ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - Nhật - Philippines. Các cơ chế hợp tác này đều nhấn mạnh vào hợp tác về công nghệ mới nổi nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh và tái cân bằng quyền lực ở khu vực.

Với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Biden giảm bớt đối kháng, đẩy mạnh tiếp xúc, liên lạc trên các kênh, các cấp nhằm ổn định quan hệ, nhưng chủ trương cạnh tranh gay gắt nhằm kiềm chế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như AI, mạng 5G. Hai bên nối lại các kênh trao đổi ngoại giao, tài chính, thương mại, quân sự... thể hiện qua tần suất gặp nhau của quan chức hai nước. Mỹ duy trì hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mang lại lợi ích toàn cầu như chống ma túy, biến đổi khí hậu. Mặt khác, Mỹ coi năng lực sản xuất dư thừa và các biện pháp thương mại - đầu tư “không công bằng” của Trung Quốc tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo việc tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 18 tỉ USD.

Với Nga, Mỹ gia tăng trừng phạt, vận động đồng minh ủng hộ tịch thu tài sản của Moskva để tái thiết Ukraine, đẩy mạnh giải ngân khoản viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Kiev, ký thỏa thuận an ninh song phương nhằm tạo khuôn khổ hỗ trợ và hợp tác với Ukraine trong 10 năm, “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ đánh sâu vào lãnh thổ Nga.

Quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) đứng trước nhiều thách thức liên quan đến hợp tác về an ninh nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Nga và xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Bước sang năm 2025, dự báo về đối nội, chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump sẽ tập trung vào các cam kết tranh cử như trục xuất người nhập cư không giấy tờ, chấm dứt lạm phát và giảm thuế cho dân, tăng thuế nhập khẩu, cắt giảm các quy định về khí hậu, cải cách bộ máy…

Về đối ngoại, nhận định chung cho rằng mặc dù hạn chế tối đa can thiệp ở các điểm nóng bên ngoài (như giảm cam kết tại Ukraine), nhưng chính quyền Mỹ sẽ không theo đuổi chính sách biệt lập, rút về bên trong mà sẽ tập trung cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Nhà Trắng sẽ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược hàng đầu. Nhiều khả năng trong nửa đầu nhiệm kỳ, cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh với việc Washington đẩy mạnh cạnh tranh kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng, áp đặt thuế quan, bảo hộ, không loại trừ một số biện pháp cực đoan như rút lại Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) để buộc Trung Quốc nhượng bộ và ký kết các thỏa thuận cụ thể.

Về thương mại, chính quyền mới dự kiến sẽ cứng rắn hơn, tập trung vào các nước có thâm hụt cao với Mỹ. Để giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không công bằng, Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại như phá giá tiền tệ hay trợ cấp.

Với các đồng minh, Mỹ sẽ vừa củng cố quan hệ, vừa yêu cầu chia sẻ gánh nặng liên minh. Với các điểm nóng, chính quyền mới sẽ áp dụng chính sách can dự có chọn lọc trên cơ sở lợi ích quốc gia, khuyến khích các bên liên quan trực tiếp hòa giải, kêu gọi các nước khác tăng cường vai trò, trách nhiệm, chia sẻ chi phí. Mỹ sẽ tìm cách rút dần sự ủng hộ đối với Ukraine, để châu Âu tự xử lý. Theo đó, Tổng thống Trump được cho là sẽ lên kế hoạch chấm dứt chiến tranh, đưa Nga - Ukraine vào bàn đàm phán theo hướng Kiev phải từ bỏ một phần lãnh thổ và không gia nhập NATO.

Với các thể chế đa phương, Mỹ có thể rút khỏi một số cơ chế cho là không hiệu quả, đồng thời sẽ có tiếng nói cứng rắn hơn tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Về các vấn đề toàn cầu, chính quyền ông Trump có khả năng sẽ đảo ngược một số cam kết của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có vấn đề AI và biến đổi khí hậu; giảm đầu tư vào năng lượng sạch và thúc đẩy khai thác dầu khí; thậm chí rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), nội hàm có thể sẽ thay đổi và cập nhật, đảm bảo các ưu tiên mới của Mỹ về chính sách thương mại và kinh tế.

Dựa trên những phát biểu tranh cử và những lựa chọn nhân sự của ông Trump, có thể thấy “chính quyền Trump 2.0” vừa muốn thực hiện những mục tiêu còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu, vừa muốn để lại di sản ngay trong nửa đầu của nhiệm kỳ 2. Năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump nỗ lực làm mới khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” để xây dựng “Nước Mỹ trước tiên”.

Ông Trump lần thứ 2 trở thành Nhân vật của Năm

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến ​​được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm”, đánh dấu sự trở lại đáng chú ý của tỉ phú New York với khả năng làm đảo lộn nền chính trị hiện đại xứ cờ hoa.

Ông Trump được vinh danh trên bìa tạp chí Time năm 2016. Ảnh: Time

Mặc dù đang giảm dần số lượng phát hành, bình chọn Nhân vật của Năm của tạp chí Time vẫn được xem là chuẩn mực văn hóa hàng năm. Trong nhiều thập kỷ, danh hiệu này được trao cho các cá nhân hoặc nhóm người có ảnh hưởng lớn nhất đến các vấn đề toàn cầu, dù trên phương diện tốt hay xấu. Tính đến nay, hầu hết nhà lãnh đạo Mỹ kể từ Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đều ít nhất một lần được vinh danh là Nhân vật của Năm, trừ Tổng thống Gerald Ford. Năm 2020, đương kim Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris được đồng vinh danh sau khi liên danh tranh cử của đảng Dân chủ đánh bại ông Trump trên đường đua tới Nhà Trắng. Trước đó, tạp chí Time cũng từng trao tặng danh hiệu Nhân vật của Năm cho tỉ phú New York khi ông lần đầu tiên được bầu vào Nhà Trắng năm 2016.

Cùng với việc trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất xuất hiện trên trang bìa tạp chí, Tổng thống đắc cử Trump đồng thời tận hưởng một trong những biểu tượng thành công dễ thấy nhất của “thành phố không bao giờ ngủ” khi ông được mời rung chuông khai mạc Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Từ những năm 1800, việc rung chuông báo hiệu bắt đầu hoặc kết thúc ngày giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới đã trở thành nghi lễ truyền thống. Hành động này trước đây chỉ dành cho các giám đốc điều hành công ty niêm yết ăn mừng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hoặc những cột mốc quan trọng khác. Năm 1985, Ronald Reagan trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên được mời rung chuông.

Tiếng chuông đồng trên bục NYSE là biểu tượng mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản Mỹ, đồng thời là biểu tượng quan trọng của văn hóa và chính trị. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Ðệ nhất phu nhân Melania được mời rung chuông để thúc đẩy sáng kiến ​​“Be Best” của bà về phúc lợi trẻ em. Trong khi đó, ông Trump tuy là doanh nhân lâu năm ở New York nhưng chưa bao giờ tham gia vào nghi lễ mở và đóng cửa sàn giao dịch. Vì vậy, có thể nói sự kiện tại New York cùng với việc xuất hiện trở lại trên trang bìa tạp chí Time chính là “sự công nhận kép” dành cho Tổng thống đắc cử Trump, vốn coi những dấu hiệu thành công trong thế giới kinh doanh và truyền thông như thước đo sự chấp thuận của công chúng.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

ĐOÀN HÙNG (TTXVN)

 

 

Chia sẻ bài viết