15/10/2020 - 09:40

Tám quốc gia ký thỏa thuận thám hiểm Mặt trăng 

Ngày 13-10, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo 8 quốc gia đã ký kết thỏa thuận quốc tế về hoạt động khám phá Mặt trăng mang tên Hiệp định Artemis.

Giám đốc NASA Bridenstine (trái) đập tay với kỹ sư thiết kế bộ đồ du hành vũ trụ mới cho sứ mệnh Artemis. Ảnh: Business Insider

Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Ý, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ký thỏa thuận trong bối cảnh NASA đang nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn đối với hoạt động xây dựng những cơ sở lâu dài trên bề mặt “chị Hằng”, thông qua thiết lập “những vùng an toàn” để ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia đang hoạt động tại đó và cho phép các công ty tư nhân sở hữu những nguồn tài nguyên trên Mặt trăng mà họ khám phá được. Hiệp định sẽ mở đường cho 8 thành viên sáng lập này tham gia vào chương trình Artemis của NASA nhằm đưa các phi hành gia, bao gồm người phụ nữ đầu tiên, trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

Văn kiện trên được chia thành 10 nguyên tắc. Trong đó, các bên ký cam kết tuân thủ hoạt động thăm dò một cách hòa bình và minh bạch, tạo ra các hệ thống phần cứng mà mọi quốc gia thành viên đều có thể vận hành cũng như đăng ký các vật thể vũ trụ của mình. Những nguyên tắc khác bao gồm đảm bảo các thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp khẩn cấp, công khai dữ liệu khoa học, bảo tồn di sản ngoài không gian và lập kế hoạch xử lý an toàn các mảnh vỡ không gian. Tại buổi họp báo, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cũng khẳng định Hiệp định Artemis phù hợp với Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967, trong đó nêu rõ Mặt trăng và các thiên thể khác không thuộc phạm vi của những yêu sách sở hữu từ các quốc gia.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump và chính phủ các nước phóng tàu vũ trụ khác đều coi Mặt trăng là một tài sản chiến lược. Với vai trò dẫn đầu chương trình Artemis, cơ quan của Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế nhằm hình thành sự hiện diện bền vững trên Mặt trăng. NASA coi đây là “bệ phóng” để tiếp tục thực hiện sứ mệnh đưa con người tới sao Hỏa. Chẳng hạn, NASA hy vọng sẽ khai thác băng từ cực Nam Mặt trăng để cung cấp nước uống và phân tách các phân tử để chế tạo nhiên liệu tên lửa, phục vụ cho chuyến thám hiểm xa hơn. Láng giềng gần Trái đất nhất có giá trị đối với công tác nghiên cứu khoa học lâu dài, từ đó có thể cho phép thực hiện các sứ mệnh đến Hỏa tinh trong tương lai. Những hoạt động này nằm trong phạm vi của luật vũ trụ quốc tế nhưng bị nhiều nước chê là lỗi thời.

Cũng nhằm tạo bước đệm khám phá Mặt trăng và sao Hỏa, NASA dự định sẽ xây dựng Gateway - Trạm không gian trên quỹ đạo Mặt trăng nặng khoảng 40 tấn và kêu gọi các đối tác quốc tế cùng tham gia. Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Dmitry Rogozin ngày 12-10 nói rõ nước này có thể sẽ không tham gia dự án với lý do trạm Gateway “lấy Mỹ làm trung tâm quá mức”.

Hiệp định Artemis loại trừ Trung Quốc, đối thủ đang nổi lên của Mỹ trong lĩnh vực không gian. Thật ra, Bắc Kinh cũng có một chương trình khám phá Mặt trăng, nhưng tự mình hợp tác với quốc tế. Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Đức tháng rồi đã công bố các phép đo bức xạ hàng ngày trên bề mặt Mặt trăng do tàu đổ bộ Hằng Nga 4 ghi lại vào năm 2019. Theo đó, mức độ bức xạ giới hạn thời gian các phi hành gia lưu lại trên hành tinh này chỉ trong 2 hoặc 3 tháng. Đây là thông tin quan trọng mà các sứ mệnh Apollo của Mỹ trong thập niên 1960 và 1970 đã không thu thập được.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết