22/06/2021 - 11:40

Taliban đòi thiết lập hệ thống Hồi giáo tại Afghanistan 

Nhóm phiến quân Taliban khẳng định vẫn theo đuổi hòa đàm, nhưng cho rằng “hệ thống Hồi giáo” ở Afghanistan là giải pháp duy nhất để kết thúc chiến tranh và đảm bảo các quyền công dân, bao gồm dành cho phụ nữ.

Các binh sĩ Afghanistan chật vật đối phó Taliban. Ảnh: NY Times

Các binh sĩ Afghanistan chật vật đối phó Taliban. Ảnh: NY Times

Trong tuyên bố hôm 20-6, phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar quả quyết rằng cách duy nhất để kết thúc xung đột ở Afghanistan là thiết lập hệ thống Hồi giáo sau khi tất cả lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Ông Baradar cam kết quyền của mọi công dân, kể cả phụ nữ, sẽ có trong hệ thống Hồi giáo, phù hợp với “đạo Hồi và những truyền thống Afghanistan”.

Tuy nhiên, nhiều người lo sợ cách diễn giải về quyền của Taliban sẽ xung đột với những thay đổi đã xảy ra trong xã hội Afghanistan kể từ năm 2001 sau khi chế độ của nhóm này bị lật đổ. Hồi tháng 5 vừa qua, tình báo Mỹ cảnh báo những thành tựu về quyền của phụ nữ đạt được trong 2 thập kỷ qua sẽ biến mất nếu lực lượng này trở lại nắm quyền. Khi đó, Taliban sẽ tái áp đặt các luật lệ Hồi giáo hà khắc mà chúng từng thực thi lúc cai trị Afghanistan hồi thập niên 1990. Cụ thể, bé gái không được phép đến trường, trong khi phụ nữ phạm các tội chẳng hạn như ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết tại sân vận động. Phụ nữ còn bị cấm đi làm bên ngoài và xuất hiện nơi công cộng mà không có người thân nam giới đi cùng.

Tiếp tục giao tranh

Trong khi Mỹ quyết tâm hoàn tất tiến trình rút quân trước hạn chót 11-9 tới để chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước này sau gần 20 năm xung đột, hàng ngày các tay súng Taliban vẫn tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan.

Được huấn luyện và vũ trang bởi liên quân quốc tế trong gần 2 thập niên, lực lượng an ninh Afghanistan với quân số khoảng 260.000 người lẽ ra đủ mạnh để ngăn chặn Taliban trở lại nắm quyền sau khi Washington rút quân. Thế nhưng việc liên tiếp thất bại trên chiến trường đang khiến nhiều người tin rằng Taliban tiếp quản Afghanistan là điều không thể tránh khỏi. Cuối tuần qua, gần 20 quận, chủ yếu ở phía Bắc Afghanistan, đã bị nhóm phiến quân này chiếm giữ. Đó là chưa kể khoảng 30 quận khác mà chúng giành quyền kiểm soát kể từ đầu tháng 5, thời điểm lực lượng do Mỹ dẫn đầu bắt đầu rút quân. Cũng ở phía Bắc Afghanistan, Taliban đã tràn vào hai thành phố Kunduz (thủ phủ của tỉnh cùng tên) và Maimana, thủ phủ tỉnh Faryab. Trong những tuần gần đây, Taliban đã bắt giữ hàng trăm lính Afghanistan, đồng thời tịch thu nhiều thiết bị quân sự.

Những bước lùi trên đã khiến Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phải cùng lúc thay đổi bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng nội vụ. Theo thông báo hôm 19-6, Đại tướng Bismillah Khan Mohammadi được chỉ định làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng và Đại tướng Abdul Satar Mirzakwal làm quyền Bộ trưởng Nội vụ. Việc bổ nhiệm hai nhân vật này sẽ sớm được trình lên Quốc hội để lấy phiếu tín nhiệm.

Đàm phán Taliban - Afghanistan vẫn đình trệ

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Afghanistan Ghani tại Nhà Trắng vào ngày 25-6 để thảo luận về kế hoạch rút quân của Washington. Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên, Tổng thống Biden được cho là sẽ tái khẳng định với ông Ghani và Chủ tịch Hội đồng cấp cao về hòa giải dân tộc Afghanistan Abdullah Abdullah về sự hỗ trợ của Mỹ đối với người dân Afghanistan, bao gồm vấn đề ngoại giao, kinh tế và nhân đạo. Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng cũng sẽ lặp lại cam kết đảm bảo Afghanistan không trở thành nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố.

Chuyến thăm của ông Ghani diễn ra trong bối cảnh cuộc hòa đàm giữa Taliban và đại diện Chính phủ Afghanistan tại Qatar đang có tiến độ chậm chạp. Nhiều quan chức bày tỏ quan ngại về các cuộc thảo luận bị đình trệ và cho biết Taliban vẫn chưa đệ trình một đề xuất hòa bình bằng văn bản có thể được sử dụng làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán thực chất.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, NY Times)

Chia sẻ bài viết