Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia thành viên là một tập thể hùng mạnh xét trên giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GPD) và thị trường tiêu thụ hàng hóa chung. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng vừa đạt được thỏa thuận quan trọng trong việc hình thành liên minh ngân hàng nhằm tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính ở khu vực đồng euro (Eurozone) gồm 17 nước thành viên và sắp tới đây có thêm Latvia.
Tuy nhiên, điều đó không đủ tạo nên sức mạnh tổng hợp của EU, đặc biệt khi mà chính sách kinh tế và an ninh quốc phòng lại mạnh ai nấy làm.
Tiêu biểu là vấn đề an ninh quốc phòng nếu so sánh với siêu cường Mỹ. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết EU đang có tới 16 công xưởng lớn đóng tàu chiến so với 2 của Mỹ. EU có cả thảy 19 loại tàu vận tải quân sự bọc thép và 14 loại xe tăng chiến đấu trong khi Mỹ mỗi thứ chỉ có một loại. Kết quả của sự "đa dạng" đó là châu Âu không đủ khả năng triển khai các chiến dịch quân sự mà không có sự hỗ trợ của đồng minh Mỹ trong rất nhiều trường hợp.
Từ nhiều thập kỷ qua, châu Âu có nhiều dự án chung và hợp tác chặt chẽ trong ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng không thể hiệp lực phát triển công nghệ cao, đầu tư lớn cho các loại thiết bị quân sự tiên tiến hay nâng cao khả năng phòng thủ trên mạng trong thời đại kỹ thuật số.
Trong lời thúc giục EU phải hợp tác nhiều hơn nữa trên lĩnh vực quốc phòng, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen "dọa" rằng: "Trừ phi châu Âu nghiêm túc gánh vác trách nhiệm an ninh, nếu không Bắc Mỹ có quyền hỏi tại sao họ phải giữ chức năng này. Trừ phi châu Âu tái cam kết phòng thủ chung, nếu không chúng ta có nguy cơ nhìn thấy Mỹ thoái lui và Âu-Mỹ sẽ cách ly".
Trong nỗ lực "lấp khoảng trống" trên, hội nghị thượng đỉnh của EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã kêu gọi cùng nhau chia sẻ kinh phí phát triển các thiết bị quân sự đắt đỏ như tàu chiến, xe tăng và chiến đấu cơ thế hệ mới, đồng thời hợp tác phát triển máy bay không người lái giai đoạn 2020-2025, nghiên cứu vệ tinh viễn thông thế hệ mới, tăng cường máy bay tiếp nhiên liệu trên không và năng lực an ninh mạng.
Tuy nhiên, điều đó là rất khó bởi còn tùy thuộc vào ngân sách chi tiêu quân sự của từng nước trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng. Cần biết là, ngân sách quốc phòng của cả EU đã giảm mạnh, từ 251 tỉ euro năm 2001 xuống 190 tỉ euro năm 2012.
Và dù có đóng góp tài chính phát triển năng lực quân sự hiện đại, như Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, châu Âu chỉ có thể hợp tác vì an ninh chứ không thể nắm quyền điều phối sức mạnh quân sự của các nước thành viên dưới "màu cờ sắc áo" chung của EU. Đáp lời Pháp hối thúc các nước thành viên quyên góp tài chính và quân lực can thiệp vào CH Trung Phi, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt và Thủ tướng Bỉ Elio di Rupo cho rằng chiến dịch quân sự đó của Paris là hành động đơn phương cần tự thân lo liệu, chứ nó không nằm trong khuôn khổ một sứ mạng hay tiến trình đưa ra quyết định của EU vốn đòi hỏi các quốc gia thành viên cùng chung vai sát cánh.
Vì lý do lịch sử, mỗi nước châu Âu gần như đều có ngôn ngữ, bản sắc văn hóa riêng thì khó có thể mọi thứ đều chung được! Sức mạnh của EU không manh mún mới là lạ.
KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, AFP)