07/01/2016 - 10:28

Sức mạnh Hải quân Mỹ suy giảm?

So với những năm 1990, số lượng tàu chiến cơ cấu trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được ghi nhận đang giảm dần. Hiện trạng này dấy lên tranh luận rằng Washington liệu có đủ năng lực đối phó các thách thức mới trong khu vực, đặc biệt khi Trung Quốc đang tỏ rõ tham vọng trong vấn đề chủ quyền biển đảo bằng cách đẩy mạnh xây dựng lực lượng Hải quân.

Theo báo cáo Chiến lược an ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 8-2015, Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 300 tàu các loại gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu tấn công, tàu tuần tra. Riêng lực lượng Bảo vệ bờ biển và tuần duyên khác đã lên tới 200 chiếc - nhiều hơn tàu các nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông gộp lại. Hồi tuần rồi, Bắc Kinh cho biết sẽ xây dựng tàu sân bay thứ 2. Năm 2012, Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của nước này được đưa vào biên chế sau khi nâng cấp từ tàu cũ do Liên Xô chế tạo cách đây 25 năm.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2014. Ảnh: Flickr/US. Pacific Fleet.

 

Trong khi đó, hãng tin Mỹ AP cho biết tổng số tàu chiến mà Hải quân Mỹ sở hữu hiện nay là 272 chiếc kể cả 10 tàu sân bay, giảm gần 20% so với năm 1998. Trong đó có 182 tàu chiến (tàu sân bay, tàu hỗ trợ và hậu cần) trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Con số này giảm so với 192 tàu cách đây gần 20 năm. Vì vậy, dư luận nghi vấn liệu Mỹ có đủ khả năng đối phó những thách thức mới trong khu vực khi mà Trung Quốc ngày càng ngang ngược trong các hoạt động ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - Đô đốc Scott Swift cho rằng tranh cãi về nguồn lực của Mỹ chủ yếu do khu vực quá lo ngại những tình huống không rõ ràng, tuyên bố thái quá về các mối đe dọa hiện nay hơn là khả năng thực tế của Hải quân Mỹ. Thậm chí, ông cho rằng toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương dù triển khai ở Biển Đông thì vẫn có người hỏi rằng Washington đã điều động đủ tàu hay chưa. Đô đốc Swift nói thêm, ông rất hài lòng với nguồn lực hiện tại, và rằng ông thà sở hữu số lượng tàu chiến tuy ít nhưng vượt trội về công nghệ hơn là hạm đội cách đây 20 năm. Một số quan chức Hải quân Mỹ cũng cho rằng chất lượng nhờ vào cải tiến công nghệ của thế hệ tàu chiến hiện nay có giá trị hơn nhiều so với ý nghĩa của việc sụt giảm số lượng.

"Tuy thời bình nhưng liệu Mỹ có đủ tàu để trấn an đối tác, đồng minh cũng như chứng tỏ năng lực khi cần hay không?" – chuyên gia Peter Jennings của Úc đặt vấn đề. Trong khi đó, học giả người Nhật Narushige Michishita thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) cho rằng không phải ai cũng nhận ra tàu chiến Mỹ hiện đại hơn tàu Trung Quốc, vốn đa phần còn thô sơ (ví như tàu sân bay Liêu Ninh) nhưng nó có thể tạo hiệu ứng tâm lý tương đương các tàu tân tiến. Hơn nữa, Hải quân Trung Quốc chỉ tập trung ở khu vực còn lực lượng Mỹ phân bổ toàn thế giới. Vì vậy, ông Michishita cho rằng ngay cả khi Mỹ đầu tư nhiều hơn Trung Quốc cũng không có nghĩa cán cân khu vực không thay đổi.

MAI QUYÊN (Theo AP, Sputnik, Freebeacon)

Chia sẻ bài viết