26/11/2022 - 09:10

Sự nghiệp thăng trầm của tân Thủ tướng Malaysia 

Gần 5 thập kỷ lăn lộn trên chính trường, lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim (ảnh) cuối cùng cũng chinh phục được mục tiêu trở thành Thủ tướng Malaysia.

Ảnh: Getty

Ngày 24-11, ông Anwar tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc vương Al-Sultan Abdullah bổ nhiệm làm thủ tướng thứ 10 của nước này, chấm dứt tình trạng quốc hội treo sau cuộc khủng hoảng hậu bầu cử chưa từng có ở quốc gia Ðông Nam Á. Ðây cũng là cột mốc quan trọng trong hành trình chính trị đầy chông gai của Chủ tịch liên minh Pakatan Harapan (PH), vốn đã hai lần cận kề đỉnh cao quyền lực.

Sớm hoạt động chính trị

Sinh năm 1947, Anwar Ibrahim bắt đầu sự nghiệp chính trị từ đầu thập niên 1970 với vai trò người sáng lập phong trào thanh niên Hồi giáo Malaysia. Năm 1974, ông bị bắt trong một cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ nông dân và phải ngồi tù 20 tháng. Ðến năm 1982, Anwar gia nhập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất của Thủ tướng lúc bấy giờ là Mahathir Mohamad. Trở thành thành viên trong chính đảng của Liên minh Barisan Nasional (BN) được cho là bước đi khôn ngoan, giúp ông thăng tiến nhanh chóng trên chính trường khi lần lượt giữ các chức vụ cấp bộ trưởng giai đoạn 1983-1986.

Trong một dấu mốc quan trọng, ông được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 1991 đến năm 1998, đồng thời giữ chức Phó Thủ tướng từ năm 1993. Giai đoạn này, Anwar được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm “người thầy” Mahathir. Nhưng quan hệ hai bên nhanh chóng rạn nứt do bất đồng về cách xử lý cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Năm 1998, ông Anwar bị cách chức và bắt đầu dẫn dắt các phong trào biểu tình phản đối ông Mahathir. Sau khi dẫn đầu hơn 30.000 người tuần hành ở thủ đô Kuala Lumpur, ông bị bắt với cáo buộc tham nhũng và có quan hệ đồng giới. Bất chấp việc liên tục bác bỏ cáo buộc và chỉ trích đây là thủ đoạn chính trị, ông Anwar bị kết án 6 năm tù vì tội tham nhũng vào năm 1999, thêm 9 năm nữa vì hành vi quan hệ đồng giới.

Trở lại chính trường

Năm 2004, Tòa án Tối cao Malaysia bác bỏ phán quyết đối với cáo buộc quan hệ đồng giới và trả tự do cho ông Anwar. Bị cấm tham gia chính trường cho đến tháng 4-2008, Anwar trở lại quốc hội với tư cách lãnh đạo phe đối lập sau chiến thắng lịch sử của đảng Công lý của Nhân dân (PKR) và các đồng minh. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, phe đối lập do ông dẫn dắt giành thêm nhiều ghế trong quốc hội. Nhưng con đường đến ghế thủ tướng của Anwar tiếp tục gặp thách thức khi phán quyết tha bổng liên quan cáo buộc quan hệ đồng giới bị đảo ngược, và ông phải ngồi tù lần nữa vào năm 2015.

Năm 2018, ông Anwar khi đó đang ngồi tù đã gạt bỏ khác biệt và bắt tay cùng cựu Thủ tướng Mahathir để lật đổ liên minh BN trong bối cảnh người dân Malaysia tức giận với chính quyền của Thủ tướng Najib Razak liên quan bê bối tham nhũng hàng tỉ USD tại quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad. Sau chiến thắng này, ông Mahathir lên nắm quyền và yêu cầu hoàng gia ân xá cho Anwar, đồng thời cam kết trao quyền lực cho ông này trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, liên minh sụp đổ sau 22 tháng do bất đồng nội bộ dẫn tới quyết định từ chức của ông Mahathir. Diễn biến này đẩy Malaysia vào giai đoạn bất ổn chính trị chưa từng có và một lần nữa cản trở ông Anwar đến ghế thủ tướng.

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 19-11 vừa qua, liên minh PH của ông Anwar giành được nhiều ghế nhất, nhưng không đạt được đa số cần thiết. Ðể phá vỡ bế tắc, Quốc vương Malaysia đã quyết định bổ nhiệm ông làm thủ tướng.

Anwar Ibrahim đã hoàn thành mục tiêu chính trị kéo dài hàng thập kỷ, nhưng vẫn còn chặng đường gian nan phía trước chờ đợi tân Thủ tướng Malaysia khi đất nước bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc cạnh tranh chính trị giữa phe cấp tiến và liên minh bảo thủ. Trước mắt, ông phải đàm phán với các nhà lập pháp thuộc đảng phái khác để đảm bảo sự ủng hộ đa số trong quốc hội.

Chia sẻ bài viết