02/01/2019 - 17:01

Sứ mệnh khó khăn của Romania! 

Lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2007, Romania đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên khối gồm 28 quốc gia kể từ hôm qua 1-1. Điều đáng nói không phải vì kinh nghiệm ít ỏi của Bucharest hay vì đây là một trong những thành viên nghèo và tham nhũng nhất, mà bởi quan hệ căng thẳng giữa Romania với các thành viên còn lại và nhất là với Brussels. Thế nên tờ New York Times của Mỹ một ngày trước đó đã giật tít “Romania, kẻ chống EU, chuẩn bị lãnh đạo khối này”.

Gần đây, Romania liên tục phê phán lãnh đạo EU phân biệt đối xử. Và chỉ một ngày trước khi nhận nhiệm vụ dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP 19.000 tỉ USD, một quan chức cấp cao đảng cánh tả cầm quyền Dân chủ Xã hội đã chỉ trích Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker thiên vị, xem Romania như “quốc gia hạng hai”. Số là trả lời phỏng vấn báo Đức Welt am Sonntag trước đó, ông Juncker nói rằng có thể về mặt kỹ thuật, Romania đã chuẩn bị tốt để đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên, nhưng “Bucharest chưa hiểu tường tận việc lãnh đạo các nước khác trong EU là như thế nào”.

Thủ tướng Viorica Dancila cũng lên tiếng phàn nàn các đại sứ EU nhận thông tin sai lệch về Romania từ giới truyền thông. Bà Dancila thậm chí nói rằng sở dĩ Romania bị EU quở trách chỉ vì “chúng tôi là một quốc gia Đông Âu”.

Nhưng chống đối Brussels mạnh mẽ nhất là chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Liviu Dragnea (ảnh), được xem như chính khách quyền lực số 1 Romania. Do bị tuyên án tù 3 năm rưỡi vì tội lạm quyền nên ông Dragnea không thể trở thành Thủ tướng mà phải “buông rèm nhiếp chính”. Theo ông này, EU “bất công” và đang tìm cách cướp đi quyền bảo lưu ý kiến của người Romania.

Thật ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới căng thẳng giữa Bucharest và Brussels là việc đảng Dân chủ Xã hội muốn cải cách hệ thống tư pháp, theo đó giảm quyền của các thẩm phán và công tố viên, đồng thời ân xá cho hàng ngàn người mà ông Dragnea cho là bị truy tố oan tội tham nhũng. Trong khi đó, EU quyết ngăn cản nỗ lực này vì lo ngại nó sẽ cản trở cuộc chiến chống tham nhũng. Brussels cảnh báo Bucharest sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” nếu ban hành sắc lệnh ân xá. Hiện hệ thống tư pháp Romania vẫn bị EU giám sát đặc biệt và nước này chưa được phép gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen.

Thách thức đối với Romania còn nằm ở chỗ bất đồng nội bộ. Ông Dragnea từng đề nghị truy tố Tổng thống trung hữu Klaus Iohannis tội “phản quốc” do nhân vật thân Brussels này hồi tháng 11 nói rằng Romania chưa sẵn sàng đảm đương vị trí chủ tịch luân phiên. Thủ tướng Dancila hôm 30-12 cũng chỉ trích việc ông Iohannis đại diện Romania tại Hội đồng châu Âu, trong khi theo bà đó là vai trò của chính phủ.

Trong bối cảnh như vậy mà Romania phải giải quyết với những vấn đế hết sức hóc búa trong 6 tháng giữ chức chủ tịch luân phiên. Đó là việc Anh rút khỏi EU (còn gọi là Brexit) vào hạn chót 29-3, là các cuộc bầu cử quốc hội mà ở đó những nhân vật hoài nghi châu Âu sẽ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, là bất đồng về ngân sách năm tới...

Ngoài Romania, EU cũng đang đau đầu với hai láng giềng của nước này là Ba Lan và Hungary xung quanh những cải cách gây tranh cãi.

Chủ tịch EC Juncker nói đầy ẩn ý rằng muốn thúc đẩy sự đoàn kết trong EU trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên thì trước hết phải tạo được một mặt trận thống nhất trong nước. Xem ra Romania khó mà hoàn thành nhiệm vụ.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Romania