Sau nhiều tuần đàm phán bất thành và qua 6 vòng bỏ phiếu, Quốc hội Ý đã tái bầu ông Giorgio Napolitano làm tổng thống nước này thêm nhiệm kỳ 7 năm nữa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Ý, có vị tổng thống được tái nhiệm.
 |
Dù tuổi cao, Tổng thống Napolitano vẫn phải gánh lấy trọng trách hàn gắn chia rẽ chính trị giữa các phe phái. Ảnh: Reuters |
Điều đáng nói là bản thân Tổng thống Napolitano đã có kế hoạch nghỉ hưu vì tuổi cao (87) khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc ngày 15-5 tới, trong bối cảnh nghị trường Ý bị chia rẽ sâu sắc bởi 3 phe phái lớn ngang tầm ảnh hưởng với nhau. Tuy nhiên, do không có ứng viên nào nhận đủ sự tín nhiệm, ông Napolitano được "nếu kéo" ở lại tham chính và trở thành sự lựa chọn ưu ái của hai đảng Nhân dân Tự do trung hữu do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi lãnh đạo và đảng Dân chủ trung tả. Kết quả cho thấy ông Napolitano nhận được tới 738 phiếu, so với 504 phiếu cần thiết, trên tổng số 1.007 nghị sĩ và đại diện khu vực tham gia bỏ phiếu.
Ông Napolitano tuyên bố ông không thể từ nan trách nhiệm với quốc gia, thúc giục các đảng phải nhìn vào tình cảnh khó khăn của đất nước để cùng nhau giải quyết những vấn đề hệ trọng, cải thiện hình ảnh và vị thế của Ý trên trường quốc tế. Thế nhưng, Phong trào 5 sao của cựu danh hài Beppe Grillo đã phản đối sự lựa chọn này sau khi ứng viên của mình là chuyên gia pháp lý Stefano Rodota chỉ nhận được 217 phiếu ủng hộ. Ông kêu gọi "hàng triệu" ủng hộ viên của phong trào này tham gia biểu tình chống lại cái gọi là "cuộc đảo chính" của Napolitano.
Giới phân tích cho rằng cùng với sự từ chức của thủ lĩnh đảng Dân chủ Pier Luigi Bersani sau những ngày căng thẳng với cựu Thủ tướng Berlusconi, Tổng thống tái đắc cử Napolitano sẽ sớm phá được thế bế tắc trong nỗ lực xây dựng một liên minh cầm quyền rộng lớn. Ông đã từng giúp đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau khi đề cử nhà kỹ trị Mario Monti lên nắm quyền. Tuy nhiên, ai sẽ làm thủ tướng mới của nước Ý sắp tới vẫn là câu hỏi khó dự đoán. Thậm chí người ta tin rằng vị tỉ phú Berlusconi có khả năng buộc Tổng thống Napolitano giải tán quốc hội để đảng Nhân dân Tự do của ông có cơ hội trở lại nắm quyền.
Sự lựa chọn bất đắc dĩ trên nghị trường nước Ý xem ra chưa phải là giải pháp cứu cánh cho tình trạng mâu thuẫn, hiềm khích chính trị kéo dài giữa các đảng phái.
ĐỨC TRUNG