19/03/2021 - 10:10

Sóng gió trong quan hệ Mỹ - Nga 

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cảnh báo rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với những hậu quả vì trực tiếp chỉ đạo can thiệp cuộc bầu cử 2020 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và người đồng cấp Nga Putin. Ảnh: Getty Images

Trong cuộc phỏng vấn với Kênh ABC News ngày 17-3, ông Biden đã có những nhận xét về Tổng thống Putin, thậm chí nghĩ rằng nhà lãnh đạo Nga là “kẻ giết người”. Tuy nhiên, ông Biden khẳng định có những lĩnh vực mà ông và Tổng thống Putin cùng có lợi khi làm việc cùng nhau, chẳng hạn gia hạn START - hiệp ước cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng đồng ý với báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ nói ông Putin có thể đã can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. “Ông ấy sẽ phải trả giá. Các bạn sẽ sớm thấy điều đó”, Tổng thống Biden nói với người dẫn chương trình.

Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia kết luận chủ nhân Ðiện Kremlin đứng sau chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020 qua việc cho người phát tán “những thông tin sai lệch” nhằm bôi nhọ ông Biden và tăng khả năng tái đắc cử của cựu Tổng thống Trump.

Nga triệu hồi Đại sứ tại Mỹ

Trước những cáo buộc về can thiệp bầu cử, Mát-xcơ-va lập tức lên tiếng bác bỏ, đồng thời triệu hồi Ðại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov trở về nước để tham vấn nhằm xác định các bước tiếp theo liên quan đến quan hệ Nga - Mỹ.  “Chính quyền mới ở Mỹ đã làm việc trong gần 2 tháng qua. Trước cột mốc 100 ngày sắp tới, chúng tôi cần đánh giá những gì mà chính quyền mới tại Mỹ đang làm và sẽ không làm. Ðối với Nga, điều quan trọng chính là xác định cách khôi phục quan hệ Nga - Mỹ, vốn đang ở trong tình trạng khó khăn và Washington đã đẩy vào ngõ cụt trong những năm qua”, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Quyết định triệu hồi Ðại sứ diễn ra cùng thời điểm Washington thông báo mở rộng các biện pháp hạn chế đã được áp đặt đối với xứ bạch dương liên quan đến cáo buộc “đầu độc” thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các biện pháp mới, có hiệu lực từ ngày 18-3, ngăn chặn xuất khẩu tới Nga thêm nhiều mặt hàng nằm trong diện kiểm soát vì lý do an ninh quốc gia, bao gồm một số công nghệ, phần mềm và linh kiện.

Trước đó, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức cấp cao và 14 thực thể của Nga, viện dẫn hành động Mát-xcơ-va “hại Navalny bằng chất độc thần kinh”. Ðiện Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc và nêu rõ không có bằng chứng ông này bị đầu độc.

Không công nhận Crimea là của Nga

Gần đây, trang web của Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ công nhận bán đảo Crimea là của Nga và Washington sẽ tiếp tục làm việc để buộc Mát-xcơ-va phải chịu trách nhiệm về “hành động gây hấn” ở Ukraine.

Theo ông Biden, cách nay 7 năm, Nga đã “vi phạm luật pháp quốc tế, các chuẩn mực mà những quốc gia hiện đại tương tác với nhau cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng Ukraine” bằng việc sáp nhập Crimea.

Crimea đã trở thành một khu vực của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3-2014, với 96,77% cử tri Crimea và 95,6% cư dân Sevastopol ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Ukraine đến nay vẫn coi bán đảo Crimea là phần lãnh thổ của mình nhưng tạm thời bị chiếm đóng.

HẠNH  NGUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết