24/08/2020 - 20:38

Síp bán “hộ chiếu vàng” cho tội phạm? 

Theo tài liệu rò rỉ mà kênh truyền hình al-Jazeera có được, những kẻ lừa đảo, rửa tiền bị kết án hay các chính trị gia bị cáo buộc tham nhũng đến từ hơn 70 quốc gia đã mua “hộ chiếu vàng” của Síp. Tài liệu chứa thông tin của hơn 1.400 hộ chiếu được Chính phủ Síp cấp từ năm 2017-2019, làm dấy lên nghi vấn về chương trình đầu tư của nước này.

Hộ chiếu Síp được giới nhà giàu chuộng mua. Ảnh: AP

Hộ chiếu Síp được giới nhà giàu chuộng mua. Ảnh: AP

Tuy nhiên, đảo quốc Ðông Ðịa Trung Hải hôm 23-8 đã bác bỏ cáo buộc trên, qua đó nhấn mạnh rằng những người được nhận hộ chiếu đều đáp ứng mọi tiêu chí mà Chính phủ Síp đặt ra.

Hộ chiếu do Síp cấp đóng vai trò quan trọng đối với những ai đến từ các nước bị hạn chế vào châu Âu. Do Síp là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên những người có hộ chiếu của nước này có thể tự do đi lại, làm việc và giao dịch ở tất cả 27 quốc gia thành viên của khối. Và để có được hộ chiếu của Síp, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào nền kinh tế nước này, thường bằng cách mua bất động sản, cổ phiếu của các công ty Síp và quan trọng nhất là phải có lý lịch trong sạch.

Kể từ khi được triển khai hồi năm 2013, chương trình đầu tư của Síp liên tục bị EU chỉ trích. Dẫu vậy, chương trình đã thu hút ít nhất 7,96 tỉ USD đầu tư vào Síp, với khoảng 4.000 hộ chiếu được cấp. Trong giai đoạn 2017-2019, các nước có lượng người nộp đơn xin cấp quốc tịch Síp nhiều nhất là Nga, Trung Quốc và Ukraine, gồm chủ tập đoàn năng lượng Burisma (Ukraine) Mykola Zlochevsky. Khi mua quốc tịch Síp hồi năm 2017, Zlochevsky bị giới chức Ukraine điều tra cáo buộc tham nhũng. Tháng 6-2020, các công tố viên Ukraine tiết lộ họ được đề nghị nhận 6 triệu USD để dừng cuộc điều tra. Một đơn xin cấp quốc tịch tương tự là của Nikolay Gornovskiy, cựu Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga). Ðược biết, Gornovskiy nằm trong danh sách truy nã của xứ bạch dương với tội danh lạm quyền khi Síp cấp hộ chiếu cho ông này hồi năm 2019.

Ðáng lo ngại, những đơn xin cấp quốc tịch khác được Síp chấp nhận sau khi người nộp đơn đã bị bắt hoặc thậm chí đang thụ án tù. Ðơn cử như trường hợp của Ali Beglov, công dân mang quốc tịch Nga mua được hộ chiếu Síp dù đang “bóc lịch” vì tội danh tống tiền. Doanh nhân Trung Quốc Zhang Keqiang cũng nhận được hộ chiếu Síp dù đã phải ngồi tù ngồi trong thương vụ lừa đảo cổ phiếu.

Theo Laure Brillaud, quan chức chính sách cấp cao của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, những thông tin trên đáng lo ngại nhưng không gây ngạc nhiên. “Những chương trình như thế này có rủi ro lớn về rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Chúng được thiết kế để thu hút những người tìm đường đến EU nhanh chóng” - bà Brillaud cho biết.

Ðược biết, Síp hồi tháng 5-2019 đã đưa ra các quy định cứng rắn hơn đối với những người đủ điều kiện nhập quốc tịch nước này, như cấm bất kỳ ai đang bị điều tra, truy nã, bị kết án hoặc đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế mua hộ chiếu. Còn hồi tháng rồi, các nghị sĩ Síp đã thông qua một đạo luật nghiêm khắc, cho phép tước bỏ quyền công dân đối với bất kỳ ai phạm tội nghiêm trọng, bị tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế truy nã hoặc bị trừng phạt trong vòng 10 năm sau khi mua hộ chiếu. Năm ngoái, Chính phủ Síp đã tước bỏ quyền công dân của 26 nhà đầu tư nước ngoài, gồm Leonardo Gonzalez Dellan - cựu giám đốc một ngân hàng Venezuela bị Mỹ trừng phạt vì tội rửa tiền hàng triệu USD, hay Oleg Bakhmatiuk - người đang bị điều tra ở Ukraine vì tội tham ô và rửa tiền.

TRÍ VĂN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết