15/10/2011 - 10:12

Sau nhẹ nhõm tới sầu lo

Trong cuộc bỏ phiếu lần hai sáng 14-10, Quốc hội Slovakia cuối cùng đã đồng ý phê chuẩn Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỉ euro, điều này đã giúp các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) cảm thấy nhẹ nhõm trước cuộc họp tài chính của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU).

Khi được Quốc hội tán đồng EFSF sau lời hứa của chính phủ trung hữu cầm quyền về việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 10-3 năm tới, Bộ trưởng Tài chính Slovakia Ivan Miklos hôm qua tuyên bố: “Dù phải trả cái giá quá đắt, nhưng chúng tôi rất vui vì đã thực hiện cam kết không cản trở EFSF như là công cụ ngăn ngừa khủng hoảng của Eurozone”.

Hoan nghênh quyết định của các nhà lập pháp Slovakia, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso ra tuyên bố chung nhấn mạnh EFSF là một công cụ mạnh mẽ và linh hoạt để bảo vệ sự ổn định tài chính của Eurozone. Còn theo bình luận của hãng tin Pháp AFP, thỏa thuận đạt được của Quốc hội Slovakia đã cứu châu Âu thoát khỏi sự thụt lùi đầy bối rối trước cuộc họp tại Thủ đô Paris ngay trong ngày 14-10 của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20, nơi mà Mỹ và các cường quốc kinh tế khác đang gây áp lực yêu cầu Eurozone phải có biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng có thể làm nền kinh tế toàn cầu trở lại suy thoái.

EFSF chỉ là một loại “vũ khí thiết yếu”, chứ chưa phải là phương tiện toàn năng có thể giúp Eurozone vượt qua khủng hoảng tài chính. Nhưng chỉ khi có trong tay EFSF thì các nước Eurozone mới có thể tập trung lo tìm kiếm sự đồng thuận trên các biện pháp tài chính khác với sự giúp sức từ EU, G20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hay các lĩnh vực ngân hàng tư nhân. EU sẽ có cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 23-10, trong khi hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra đầu tháng 11. Các hội nghị này hy vọng có thể thống nhất hậu thuẫn châu Âu nâng EFSF lên gấp 5 lần, vươn tới con số 2.500 tỉ euro.

Sự cần thiết phải tăng cường khả năng cứu trợ tài chính cho Eurozone diễn ra trong bối cảnh cơn bão tài chính đang tấn công dồn dập khu vực này. Thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha trong 6 tháng đầu năm nay vẫn lên tới 8,3% GDP, thay vì phải khống chế dưới mức 5,9% như mục tiêu ban đầu, buộc chính phủ nước này ngày 13-10 thông báo sẽ “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt hơn nữa. Bởi nếu không, như Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho cảnh báo, chính phủ sẽ không có tiền để trả lương hoặc nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu.

Cũng trong ngày 13-10, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Tây Ban Nha từ “AA” xuống còn “AA-” do triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám của nước này. Đây là một đòn nữa giáng mạnh vào nỗ lực ổn định tài chính công của Tây Ban Nha sau khi hàng loạt ngân hàng lớn của nước này vừa bị đánh giá là đang ở trong tình trạng xấu. Trong khi đó, tình hình chính trị ở Ý diễn biến hết sức căng thẳng, nhiều khả năng Thủ tướng Silvio Berlusconi phải ra đi vì không được Quốc hội cho phép cắt giảm chi tiêu công trong nỗ lực ngăn chặn thâm hụt ngân sách và nợ công “phình to”.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết