07/08/2011 - 09:31

Sau Mỹ sẽ đến ai?

Ngày 5-8, lần đầu tiên trong lịch sử, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã đánh tụt hạng của Mỹ từ mức cao nhất là AAA xuống AA+. Như vậy, hiện thế giới chỉ có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng AAA, nhưng liệu họ có giữ được mức đó hay không lại là chuyện khác.

Úc. Với một hệ thống ngân hàng vững mạnh và kinh tế phát triển, Úc hiện chưa có nguy cơ bị hạ mức tín dụng.

Năm nay, tốc độ tăng trưởng của xứ sở chuột túi dự đoán là 2,9%, thâm hụt ngân sách 2,8% GDP và nợ quốc gia 29,3% GDP.

Áo. Đây được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng bền vững và thâm hụt ngân sách đứng ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các ngân hàng của Áo sẽ bị ảnh hưởng nếu một hoặc nhiều quốc gia “nợ như chúa chổm” ở Nam Âu phá sản.

Văn phòng Standard & Poor’s tại New York. Ảnh: Reuters
 

Tăng trưởng: 2,9%. Thâm hụt ngân sách: 3,7% GDP. Nợ quốc gia: 80% GDP.

Canada. Dù hệ thống ngân hàng vững mạnh và kinh tế phát triển nhờ xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Canada vẫn có thể chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế ở Mỹ, cũng như sự biến động của giá dầu và hàng hóa.

Tăng trưởng: 3%. Thâm hụt ngân sách: 4,9% GDP. Nợ quốc gia: 85,9% GDP.

Đan Mạch. Nước này ít có nguy cơ bị hạ mức tín nhiệm.

Tăng trưởng: 1,9%. Thâm hụt ngân sách: 3,8% GDP. Nợ quốc gia: 57,1% GDP.

Phần Lan. Dân số già có thể xem là thách thức lâu dài về mặt tài chính đối với Phần Lan, nhưng điều đó không khiến nước này bị tụt hạng. Lý do là vì họ có mức tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ổn định.

Tăng trưởng: 3,8%. Thâm hụt ngân sách: 1,4% GDP. Nợ quốc gia: 62,7% GDP.

Pháp. Đây được xem là nước châu Âu có nguy cơ cao nhất bị hạ bậc.

Tăng trưởng: 2,2%. Thâm hụt ngân sách: 5,6% GDP. Nợ quốc gia: 97,3% GDP.

Đức. Quốc gia này ít có khả năng bị hạ mức tín nhiệm do có tốc độ tăng trưởng bền vững, thâm hụt ngân sách thấp nhất trong nhóm G7 và một chính phủ cam đoan minh bạch về tài chính.

Tăng trưởng: 3,4%. Thâm hụt ngân sách: 2,1% GDP. Nợ quốc gia: 87,3% GDP.

Hồng Công. Với tốc độ tăng trưởng mạnh, có thặng dư ngân sách và nợ công thấp, đặc khu hành chính này cũng ít có nguy cơ bị tụt hạng.

Tăng trưởng (2010): 6%. Thâm hụt ngân sách (2009): 0,6% GDP. Nợ quốc gia (2009): 30,5% GDP.

Luxembourg. Quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới được đánh giá là có nguy cơ tụt hạng còn thấp hơn cả Đức. Rủi ro duy nhất của nước này là bộ phận tài chính có thể bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng.

Tăng trưởng: 3,2%. Thâm hụt ngân sách: 0,9% GDP. Nợ quốc gia: 20,5% GDP.

Hà Lan. Các cơ quan xếp hạng tín dụng chắc đã rất ấn tượng khi thấy Hà Lan chủ động thắt chặt tài chính ngay khi nước này bắt đầu rời khỏi đáy suy thoái.

Tăng trưởng: 2,3%. Thâm hụt ngân sách: 3,7% GDP. Nợ quốc gia: 74,3% GDP.

Na Uy. Chỉ khi nào giá dầu xuống dưới 10USD/thùng và giữ ở mức đó nhiều năm, Na Uy mới có thể rơi vào “tầm ngắm” của các công ty xếp hạng tín dụng.

Tăng trưởng: 2,5%. Thặng dư ngân sách: 12,5% GDP. Nợ quốc gia: 56,1% GDP.

Singapore. Dù bị suy giảm nhanh và sâu trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 nhưng Singapore đã phục hồi một cách ấn tượng hồi năm ngoái. Tuy nợ công cao nhưng đảo quốc sư tử vẫn nằm trong nhóm ít có nguy cơ bị hạ bậc do có thặng dư ngân sách.

Tăng trưởng (2010): 17,5%. Thặng dư ngân sách (2009): 1,7% GDP. Nợ quốc gia (2010): 102,4% GDP.

Thụy Điển. Giống như nhiều quốc gia khu vực Scandinavia khác, Thụy Điển tương đối an toàn.

Tăng trưởng: 4,5%. Thặng dư ngân sách: 0,3% GDP. Nợ quốc gia: 45,4% GDP.

Thụy Sĩ. Nước này có 2 nỗi lo lớn là cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai (nếu có) sẽ tác động mạnh đến các ngân hàng và sức cạnh tranh của ngành xuất khẩu giảm do đồng franc tăng giá. Dù vậy, khả năng bị hạ bậc của Thụy Sĩ là cực thấp.

Tăng trưởng: 2,7%. Thặng dư ngân sách: 0,6% GDP. Nợ quốc gia: 38,7% GDP.

Anh. Đây là một trong những quốc gia có nguy cơ tụt hạng mặc dù đã “thắt lưng buộc bụng”.

Tăng trưởng: 1,4%. Thâm hụt ngân sách: 8,7% GDP. Nợ quốc gia: 88,5% GDP.

Công quốc Liechtenstein, Guernsey và Đảo Man (thuộc Anh) đều khá vững vàng ở hạng AAA.

THANH TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết