02/07/2009 - 08:27

"Sáng kiến châu Á mới" của Hàn Quốc

Tổng thống Lee Myung-bak tại hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN trên đảo Jeju đầu tháng 6-2009.
Ảnh: Reuters 

Nhằm nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, Tổng thống Lee Myung-bak đang theo đuổi chính sách ngoại giao mang tên “Sáng kiến châu Á mới”. Tiến sĩ Zhiqun Zhu, chuyên nghiên cứu về các chính sách ở Đông Á, phó giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Bucknell (Mỹ), hôm 30-6 có bài viết đăng trên trang tin “Thời báo châu Á” trình bày cụ thể về sáng kiến này.

"Sáng kiến châu Á mới" là một sự chuyển đổi trong chính sách ngoại giao của Hàn Quốc, từ tập trung vào 4 nước lớn gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga sang các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, và điều này sẽ mở rộng bang giao của Seoul theo hai hướng mới. Thứ nhất, chính sách ngoại giao truyền thống của Hàn Quốc vốn ưu tiên quan hệ với các nước Đông Bắc Á sẽ được mở rộng ra toàn châu lục. Thứ hai, phạm vi hợp tác sẽ được mở rộng từ lĩnh vực kinh tế đến an ninh, văn hóa, năng lượng và nhiều vấn đề khác nữa. Mục tiêu của sáng kiến tham vọng này là đưa tiếng nói của Hàn Quốc mang tính đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò thủ lĩnh của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tài chính và chống biến đổi khí hậu. Chính ông Lee từng tuyên bố Hàn Quốc có thể là “hình mẫu” cho các quốc gia nghèo ở châu Á trong vấn đề phát triển kinh tế và dân chủ hóa.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Trung Quốc và EU, và chiếm vị trí thứ hai trên lĩnh vực đầu tư, chỉ sau Mỹ. Chính quyền Lee Myung-bak đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN hồi đầu tháng 6 với hy vọng giúp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và trao đổi văn hóa. Seoul có kế hoạch nâng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) lên gấp 3 lần cho ASEAN vào năm 2015 và đề nghị thành lập “Quỹ đối tác khí hậu Đông Á” nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển tại châu Á, trong đó sẽ giúp 100 triệu USD từ năm 2009-2012 cho các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống biến đổi khí hậu của ASEAN. Về thúc đẩy trao đổi văn hóa và phát triển giáo dục, Seoul sẽ tăng gấp đôi số lượng sinh viên từ các nước ASEAN nhận học bổng sang Hàn Quốc học tập vào năm 2012 theo chương trình “Học bổng toàn cầu của Hàn Quốc”. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện cho người lao động nhập cư xin được giấy phép lưu trú lâu dài, khác hẳn với chính sách nhập cư cứng rắn của Nhật Bản.

Một mục tiêu quan trọng khác trong “Sáng kiến châu Á mới” còn nhằm tác động lên CHDCND Triều Tiên khi mà các nước ASEAN đều có mối quan hệ với cả hai miền Triều Tiên, và Diễn đàn khu vực ASEAN là nơi duy nhất để Bình Nhưỡng có thể đối thoại và tham vấn an ninh với các nước châu Á - Thái Bình Dương khác.

Theo các nhà phân tích, “Sáng kiến châu Á mới” của Tổng thống Lee Myung-bak, vốn từng bị chỉ trích là quá tự tin và không thực tế, có hiệu quả hay không sẽ tùy thuộc vào sự ủng hộ của các quốc gia có liên quan, đặc biệt là của 4 cường quốc Mỹ, Nhật, Trung, Nga. Sở dĩ có sự dè dặt như thế vì người ta hẳn chưa quên cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của ông Lee Myung-bak, từng thất bại trong “Chính sách cân bằng” đưa ra hồi năm 2005 nhằm giúp giảm căng thẳng giữa các cặp quan hệ Trung-Nhật, Mỹ-Trung.

V.P

Chia sẻ bài viết