Sau ba ngày làm việc khẩn trương và tích cực, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 đã bế mạc ngày 19-11 tại Bali (Indonesia).
|
Các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tăng cường phối hợp và nâng cao vai trò và đóng góp của ASEAN vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Ảnh: chinhphu.vn |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhấn mạnh quyết tâm chính trị cao và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột. Theo đó, ASEAN xác định rõ các mục tiêu ưu tiên cho từng năm, trong từng lĩnh vực, đồng thời nâng cao hiệu quả điều phối và giám sát thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và khu vực trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết năm 2015; coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác.
Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực
Tối 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời Bali, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong đề xuất các giải pháp tăng cường hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN; triển khai Kết nối ASEAN và mở rộng quan hệ đối ngoại của Hiệp hội; xem xét, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực mà các bên cùng quan tâm.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực như thu hẹp khoảng cách phát triển, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như tăng cường hợp tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên, kể cả biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước trên các dòng sông, nhất là sông Mê Công, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy vai trò chủ động trong việc xây dựng khuôn khổ hợp tác và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, vì hòa bình, xây dựng lòng tin và hợp tác phát triển; tiếp tục phát huy vai trò và giá trị của các diễn đàn, cơ chế hiện có vì hòa bình, an ninh trong khu vực.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono - trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2011 - khẳng định hội nghị lần này đã thành công tốt đẹp với sự tham gia và ủng hộ tích cực của các nước thành viên và các đối tác của ASEAN. Những kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị cấp cao liên quan cũng như trong năm Indonesia làm Chủ tịch ASEAN 2011 đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác; là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015 với sự tham gia ngày càng tích cực và hiệu quả của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu chung nhằm biến Đông Nam Á trở thành khu vực ngày càng đảm bảo về mặt an ninh, hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng. Tổng thống Yudhoyono cũng nhấn mạnh vị thế và vai trò ngày càng tăng của ASEAN trong khu vực và trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tổng thống Indonesia Yudhoyono đã trao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2012 cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Phát biểu nhậm chức Chủ tịch, Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN cũng như các đối tác để năm Chủ tịch ASEAN 2012 của Campuchia thành công.
|
Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và Đối tác đã ký và thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu; Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi và về Kết nối ASEAN; Tuyên bố chung của ASEAN với Trung Quốc, Mỹ, Nhật, LHQ... Các nhà lãnh đạo khẳng định EAS sẽ tiếp tục là một bộ phận cấu thành quan trọng trong cấu trúc khu vực đang định hình với ASEAN đóng vai trò trung tâm; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ chế khu vực hiện có, trong đó có EAS, ASEAN+3, ADMM+ và ARF, đóng góp hiệu quả vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Các nhà lãnh đạo các nước nhấn mạnh EAS cần đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
P.V (TTXVN)