29/07/2017 - 15:37

Quốc hội Mỹ đưa ông Trump vào thế kẹt 

Thượng viện Mỹ hôm 27-7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật mở rộng trừng phạt Nga, đẩy Tổng thống Donald Trump  vào thế khó giữa hai lựa chọn: Hoặc chấp nhận đường lối cứng rắn với Mát-xcơ-va, hoặc phủ quyết và làm phật lòng đảng Cộng hòa.

Ảnh:AP

 

Đây là chính sách ngoại giao lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Trump trong bối cảnh Nhà Trắng đang chật vật thúc đẩy các chương trình nghị sự, dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội.

Cùng với Nga, dự luật trừng phạt mới đồng thời siết chặt các biện pháp chế tài nhằm vào Iran và CHDCND Triều Tiên. Theo Reuters, dự luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa với 98 phiếu thuận và chỉ 2 phiếu chống, trái ngược với lộ trình đầy chông gai hướng tới mục tiêu hủy bỏ và thay thế Chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare). Trước đó, dự luật trừng phạt này cũng được phê chuẩn tại Hạ viện với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống.

Theo quy định, dự luật sẽ được chuyển tới Nhà Trắng để tổng thống ký phê chuẩn thành luật hoặc phủ quyết. Đây được coi là quyết định khó khăn đối với Tổng thống Trump. Bởi nếu ủng hộ, Nhà Trắng buộc phải áp dụng cách tiếp cận cứng rắn thay cho lời kêu gọi cải thiện quan hệ với Mát-xcơ-va trước nay. Còn nếu phủ quyết, BBC cho rằng động thái này sẽ vấp phải chỉ trích từ các nhà lập pháp, đồng thời dấy lên nghi ngờ chính quyền Trump “quá ủng hộ Điện Kremlin” giữa lúc đang diễn ra cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Trường hợp ông Trump dùng quyền phủ quyết, dự luật trừng phạt vẫn có thể trở thành luật nếu 2/3 thành viên lưỡng viện Quốc hội Mỹ bác bỏ quyết định của tổng thống.

“Vi phạm luật pháp quốc tế”

Phát biểu trong chuyến thăm Phần Lan hôm 27-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích động thái của Mỹ là “ngạo mạn” và “phá hủy quan hệ cũng như luật pháp quốc tế”. “Mát-xcơ-va đã kiềm chế và kiên nhẫn nhưng một vài thời điểm bắt buộc phải trả đũa. Không thể mãi chấp nhận sự vô lý này đối với đất nước chúng ta” – ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.

 

Hạ viện Mỹ hôm 27-7 đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng lên tới 658,1 tỉ USD cho năm tới để bảo đảm năng lực phòng vệ trong bối cảnh quan ngại Triều Tiên có thể phát triển tên lửa tấn công tới Mỹ ngày càng gia tăng. So với năm 2017, chi tiêu quân sự Mỹ tăng thêm 68,1 tỉ USD và cao hơn 18,4 tỉ USD so với dự thảo ngân sách của Tổng thống Trump. 
Trong đó, Hạ viện đồng ý cung cấp 1,6 tỉ USD cho giai đoạn đầu xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Đây là một phần trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin nói rõ Nga chỉ quyết định phương pháp trả đũa một khi dự luật trừng phạt được Mỹ chính thức thông qua. Trước mắt, Mát-xcơ-va đã yêu cầu Washington giảm số nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ tại Nga xuống còn 455 người. “Chúng tôi đề nghị phía Mỹ giảm số nhà ngoại giao, nhân viên kỹ thuật đang làm việc tại đại sứ quán và tổng lãnh sự quán xuống bằng đúng số nhà ngoại giao và nhân viên kỹ thuật Nga ở Mỹ”, AFP dẫn thông báo ngày 28-7 của Bộ Ngoại giao Nga.

Theo Reuters, dự luật trừng phạt mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng một loạt ngành công nghiệp của Nga và có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế xứ bạch dương vốn đã chịu ảnh hưởng từ các biện pháp chế tài sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập Crimea vào năm 2014. Không riêng Nga, dự luật này cũng khiến Liên minh châu Âu (EU) thất vọng khi được cho ảnh hưởng lợi ích các doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh với Nga cũng như vấn đề an ninh năng lượng của khối.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết