22/07/2010 - 22:07

Quên "vị trí" !

Phó Thủ tướng Clegg phát biểu tại Hạ viện ngày 21-7. Ảnh: AP

Việc Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg hôm 21-7 lỡ lời rằng cuộc chiến Iraq, do Mỹ phát động và Anh ủng hộ, là “bất hợp pháp” đang gây bối rối cho chính phủ liên hiệp đầu tiên giữa đảng Dân chủ Tự do của ông với đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron.

Vụ việc xảy ra khi ông Clegg thay mặt Thủ tướng Cameron (đang ở thăm Mỹ) trả lời tại phiên chất vấn hàng tuần với các nghị sĩ. Trong lúc trao đổi qua lại với nghị sĩ Jack Straw của Công đảng đối lập (ông này từng là Ngoại trưởng khi bắt đầu chiến tranh Iraq năm 2003), Phó Thủ tướng Clegg đã yêu cầu ông Straw nên “gánh vác trách nhiệm về một trong những quyết định tai hại nhất, đó là tấn công phi pháp Iraq”. Đảng Dân chủ Tự do khi đó là chính đảng duy nhất ở Anh phản đối quyết định lật đổ chính quyền cố Tổng thống Saddam Hussein. Vì vậy, trước Hạ viện, ông Clegg vẫn giữ lập trường cũ mà quên rằng vị trí của mình đã khác xưa. Ông bây giờ là “phương diện quốc gia”, hơn nữa lại đang thay mặt thủ tướng.

Dĩ nhiên phát biểu của ông Clegg gây khó chịu cho đảng Bảo thủ vì bản thân ông Cameron cùng nhiều thành viên đảng này từng bỏ phiếu ủng hộ chiến tranh Iraq. Theo nghị sĩ đảng Bảo thủ Patrick Mercer, việc phó thủ tướng thay mặt sếp trưởng của mình trước Quốc hội lại có lời lẽ dễ gây bất đồng như vậy là điều rất kỳ lạ. Còn Kevan Jones, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Công đảng, mỉa mai rằng nếu đây là chính sách của chính phủ hiện tại thì ông Clegg đang cáo buộc Thủ tướng Cameron và các bộ trưởng ủng hộ những hành động phi pháp.

Nhà số 10 phố Downing đã lập tức lên tiếng phân bua rằng phát biểu của ông Clegg không phải là quan điểm của chính phủ. Người phát ngôn Chính phủ Anh Vickie Sheriff nói chính quyền liên minh chưa có quan điểm chính thức về tính hợp pháp hay không đối với chiến tranh Iraq, nhưng điều đó không có nghĩa là các thành viên chính phủ không được quyền bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng, Văn phòng Thủ tướng cho biết cuộc điều tra về chiến tranh Iraq do cựu công chức cao cấp John Chilcot đứng đầu sẽ tuyên bố liệu 45.000 lính Anh tham gia chiến dịch tấn công Iraq do Mỹ cầm đầu có bất hợp pháp hay không. Văn phòng của ông Clegg cũng nỗ lực gỡ gạc rằng cuộc điều tra về chiến tranh Iraq sẽ thiết lập cơ sở cho quan điểm mới của chính phủ. Thật ra, mục đích ban đầu của cuộc điều tra là để Luân Đôn rút ra những bài học từ cuộc xung đột Iraq, chứ không phải xác định tính pháp lý của nó.

Chưa hết, Thủ tướng Cameron và cấp phó Clegg cũng có những “thông điệp nhập nhằng” về việc rút quân Anh khỏi Afghanistan. Tại Washington, ông Cameron nói rằng binh sĩ có thể bắt đầu triệt thoái khỏi Afghanistan vào năm tới, tùy thuộc vào các điều kiện của đất nước Nam Á. Trong khi ở trong nước, ông Clegg tuyên bố quân đội “phải về nước” trước năm 2015. Việc không nhất quán về thời gian biểu của hai nhân vật đứng đầu chính phủ khiến các tướng lĩnh và nghị sĩ cảnh báo về nguy cơ kích động Taliban trỗi dậy. Phe đối lập ở Anh thì xem đây là những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự chia rẽ trong chính sách của chính phủ liên hiệp.

Đáng quan ngại là việc quên “vị trí” của ông Clegg hôm thứ tư diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Tự do đã giảm từ 34% trước cuộc bầu cử hồi tháng 5 xuống còn 14%, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2009.

N. KIỆT (Theo Reuters, AFP, Telegraph)

Chia sẻ bài viết