17/04/2022 - 08:36

Quan hệ Trung Quốc - Taliban phức tạp hóa chiến lược của Mỹ tại Afghanistan 

TRÍ VĂN

Việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Taliban đang làm suy yếu nỗ lực của Mỹ, quốc gia đang tác động tới tổ chức cực đoan này thông qua các chiến dịch gây sức ép chính trị cùng các đòn trừng phạt.

Theo tờ The Diplomat, Bắc Kinh trực tiếp vận động hành lang, yêu cầu Washington trả lại số tài sản bị đóng băng của Afghanistan - bước đi sẽ chỉ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Afghanistan. “Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi và đại diện cho cơ hội cơ bản và phi thường đối với chúng tôi” - Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, nói như vậy vào tháng 9 năm ngoái, ngay sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan. Ðáp lại sự nhiệt tình này, Trung Quốc hồi cuối tháng trước đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các thành viên Taliban, các ngoại trưởng từ các nước láng giềng của Afghanistan để thảo luận về sự phát triển về an ninh và kinh tế của đất nước do Taliban lãnh đạo.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Quyền Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp hôm 24-3. Ảnh: AFP

Thúc đẩy BRI

The Diplomat cho hay, một tuần trước khi diễn ra cuộc họp nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ghé qua Kabul để gặp gỡ Quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi. Cuộc trò chuyện giữa nhà ngoại giao 2 bên được cho là tập trung vào việc cải thiện lĩnh vực khai thác của Afghanistan cũng như vai trò của Kabul trong sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. Ðược biết, ông Vương là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Afghanistan kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này. Ông Vương đến Kabul một ngày sau khi Taliban vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế vì đã phá vỡ cam kết trước đó là mở cửa trường trung học cho nữ sinh.

Thật ra, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc ngày càng “thân” với Taliban, bởi việc cải thiện quan hệ với lực lượng này là mục tiêu công khai của Bắc Kinh ngay cả trước khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Còn nhớ, vào tháng 8 năm ngoái sau khi thủ đô Kabul thất thủ, Trung Quốc tuyên bố “tôn trọng quyền được tự quyết định vận mệnh của người dân Afghanistan” và sẽ phát triển “quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan”. Dù Trung Quốc chưa chính thức công nhận Taliban nhưng những động thái mà Bắc Kinh đưa ra cho thấy ngày mà Trung Quốc chính thức công nhận Taliban có thể không còn quá xa.

Hiện Trung Quốc đang theo đuổi 2 mục tiêu chính thông qua việc tiếp cận Taliban. Một là, Bắc Kinh muốn Taliban đảm bảo rằng lực lượng này sẽ giúp cắt giảm các mối đe dọa do các nhóm cực đoan hoạt động gần biên giới Trung Quốc gây ra. Ðặc biệt, Trung Quốc muốn Taliban ngăn chặn Phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan, nhóm chiến binh tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan, mở rộng và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Trung Quốc tại khu vực. Hai là, Bắc Kinh muốn bảo vệ các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện ở Afghanistan cũng như các kế hoạch thông qua các chương trình như BRI. Do bất ổn chính trị, các kế hoạch nhằm khai thác và phát triển các mỏ đồng, dầu mỏ của các công ty Trung Quốc tại Afghanistan đã bị hoãn lại trong hơn một thập niên qua. Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc hy vọng Taliban có thể ổn định đất nước để Bắc Kinh có thể tiếp tục triển khai các dự án này.

Gây thêm bất ổn

Thế nhưng, giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh “tán tỉnh” Taliban chỉ làm tăng thêm bất ổn tại khu vực, thách thức Mỹ và đồng minh trong việc tìm ra cách thức mới để đối phó các mối đe dọa. Việc Trung Quốc tiếp cận Taliban cũng tái khẳng định sự cần thiết của các cuộc đối thoại trong tương lai về việc giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn.

Theo giới phân tích, dù Mỹ không thể ngăn Trung Quốc bắt tay với Taliban, Washington và các đối tác có liên quan có thể triển khai các bước đi nhằm cắt giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Afghanistan. Theo đó, Mỹ có thể “noi gương” Ấn Ðộ trong việc dẫn đầu chính sách ngoại giao đa phương và đưa ra các giải pháp chính trị thay thế cho Afghanistan, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông ở cả Afghanistan và trong cộng đồng dân cư.

Hồi cuối tháng 3, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết 41 nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ nhân đạo 2,44 tỉ USD cho Afghanistan, chưa đạt mục tiêu đề ra ban đầu là 4,4 tỷ USD trong năm nay.  Người đứng đầu LHQ cho biết tình hình nhân đạo ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn trong những tháng qua với gần 95% người dân không có đủ lương thực và 9 triệu người có nguy cơ đối mặt với nạn đói. Giá lương thực toàn cầu đang tăng vọt khiến người dân Afghanistan phải vật lộn để tồn tại, đồng thời cũng khiến các hoạt động cứu trợ đối mặt với những hạn chế về nguồn lực tài chính. Nền kinh tế Afghansitan gần như đã sụp đổ, hơn 80% dân số phải vay nợ. Viên chức làm việc tại các cơ quan thiết yếu như trường học, bệnh viện đã không được trả lương từ nhiều tháng qua, trong khi các doanh nghiệp bị tê liệt, còn các tổ chức cứu trợ quốc tế có văn phòng tại Afghanistan cũng gần như không hoạt động được.

Chia sẻ bài viết