02/01/2009 - 08:35

Quan hệ Nga - Ukraina lại căng thẳng

Đại diện Gazprom trình bày hợp đồng mua bán khí đốt hết hạn giữa Nga và Ukraina trong cuộc họp báo ở Mát-xcơ-va hôm 31-12.
Ảnh: AFP

Theo Chủ tịch tập đoàn khí đốt số một của Nga Gazprom Alexei Miller, đúng 10 giờ sáng qua 1-1-2009 (giờ Mát-xcơ-va), Gazprom bắt đầu ngưng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Ukraina. Các cuộc đàm phán giữa ông Miller với Giám đốc tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraina, ông Oleg Dubina tại Mát-xcơ-va kết thúc hôm 31-12-2008 mà không đạt được kết quả gì, trong khi chuyến đi dự kiến của Thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko tới Mát-xcơ-va nhằm giải quyết vấn đề này cuối cùng cũng bị hủy bỏ. Theo ông Miller, ngày 1-1 là thời điểm hợp đồng mua bán khí đốt năm 2008 hết hiệu lực, mà hai bên vẫn chưa ký được hợp đồng mới.

Nguyên nhân dẫn đến động thái trên của Nga là do Ukraina chưa thanh toán khoản nợ 2,1 tỉ USD. Naftogaz cho biết họ đã trả 1,5 tỉ USD nợ cho Gazprom thông qua RosUkEnergo, một công ty liên doanh giữa Nga và Ukraina ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông Miller khẳng định Gazprom chưa nhận được đồng xu nào.

Một vấn đề khác cũng chưa được giải quyết là hợp đồng mua bán khí đốt năm 2009. Ban đầu Gazprom đề nghị Naftogaz trả 418 USD cho 1.000 m3 khí đốt, hơn gấp đôi mức 179,5 USD của năm trước, nhưng sau đó giảm xuống còn 250 USD/1.000 m3. Bất chấp Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết Gazprom phải chịu lỗ với giá này vì Ukraina là “đất nước anh em và đang gặp khó khăn hơn Nga”, nhưng Kiev vẫn cho rằng còn quá cao và ra giá 201 USD/1.000 m3. Ukraina tuyên bố chỉ đồng ý giá 250 USD nếu Gazprom chấp nhận trả phí quá cảnh cao hơn cho đường ống dẫn qua lãnh thổ nước này. Tất nhiên, Gazprom bác bỏ điều kiện đó.

Tuy Nga khẳng định không có động cơ chính trị trong vấn đề ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina, nhưng các nhà quan sát cho rằng việc Kiev liên tục “chọc giận” Mát-xcơ-va ít nhiều có liên quan. Việc Ukraina quyết tâm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Gruzia trong cuộc chiến 5 ngày với Nga hồi tháng 8-2008, tăng sức ép đòi Nga rút căn cứ Hạm đội Biển Đen khỏi hải cảng Sevastopol... khiến quan hệ song phương hết sức căng thẳng.

Hiện Ukraina một mặt đề nghị khẩn cấp nối lại các cuộc đàm phán, mặt khác chuẩn bị đối phó với việc Nga ngừng cung cấp khí đốt. Người phát ngôn Naftogaz tuyên bố sẽ không đảm bảo việc cung ứng khí đốt của Nga tới châu Âu, khu vực lệ thuộc 25% lượng khí đốt tiêu thụ vào Gazprom, trong đó 80% được vận chuyển qua Ukraina, và cảnh báo khả năng trưng thu khí đốt quá cảnh đi qua lãnh thổ của họ. Tình hình trên khiến châu Âu rất lo ngại, bởi khu vực này từng điêu đứng khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraina hồi tháng 1-2006.

N.MINH
(Theo Guardian, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết