02/09/2021 - 07:25

Phương Tây sẽ “bắt tay” Taliban đối phó IS? 

Mối đe dọa từ các nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông có thể buộc Mỹ và đồng minh tính toán lại cách tiếp cận chính trị và quân sự trong khu vực, bao gồm hợp tác với Taliban.

Các thành viên Taliban có mặt tại sân bay Kabul ngày Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan. Ảnh: AP

Các thành viên Taliban có mặt tại sân bay Kabul ngày Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan. Ảnh: AP

Hôm 31-8, Mỹ tuyên bố hoàn tất tiến trình rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố mà Washington và đồng minh tiến hành tại quốc gia Tây Nam Á trong 20 năm qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định họ đã đạt được các mục tiêu ban đầu, đó là làm suy yếu mạng lưới khủng bố al-Qaeda và ngăn những đợt tấn công tương tự thảm kịch ngày 11-9-2001 nhắm vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, vụ đánh bom liều chết ngày 26-8 ở thủ đô Kabul (làm 170 người chết, trong đó có 13 lính Mỹ) mà Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) nhận trách nhiệm đã phơi bày những rủi ro khác trên thực địa. Nó cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay không đơn giản là “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu hay cuộc chiến của Taliban chống lại Chính phủ Afghanistan được Washington hậu thuẫn. Nó là một bức tranh ghép của các phe nhóm đang tìm kiếm quyền cai trị và lợi ích trên khắp quốc gia Nam Á.

Sự trở lại của ISIS-K

ISIS-K là một nhánh của IS hoạt động tại miền Đông Afghanistan, thoạt đầu gồm vài trăm chiến binh Taliban người Pakistan chạy qua Afghanistan lánh nạn. Sau đó, nhóm kết nạp thêm những phần tử thuộc mạng lưới al-Qaeda và nhiều tay súng địa phương bất mãn thái độ “ôn hòa” của Taliban khi đàm phán với Mỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi của IS, tổ chức này truyền bá và thực thi hệ tư tưởng cực đoan hơn Taliban, hướng tới mục tiêu thánh chiến trên toàn thế giới.

Theo Hãng tin AP, ISIS-K đã có hàng trăm cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Afghanistan, Pakistan, liên quân do Mỹ hậu thuẫn và cả Taliban. Từ tháng 4-2017, nhóm bị đánh bật sau các cuộc bao vây và không kích khiến nhiều thủ lĩnh thiệt mạng, đặc biệt vụ Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria vào năm 2019 đã giáng đòn mạnh làm tê liệt ISIS-K. Nhưng từ tháng 6-2020, các tay súng hoạt động mạnh trở lại sau sự xuất hiện của chỉ huy mới Shahab al-Muhajir và thu hút thêm nhiều thành viên Taliban cùng các phần tử cực đoan khác.

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn”

Theo các nhà phân tích, vụ tấn công đẫm máu do ISIS-K tiến hành tại sân bay thủ đô Kabul không chỉ giáng đòn vào lực lượng Mỹ mà còn là thách thức đối với quyền hạn, mục tiêu an ninh và tính chính danh vốn Taliban đang tìm kiếm. Tổ chức này không công khai bất kỳ chính sách nào, nhưng giới quan sát cho biết có thể dựa theo tín hiệu gần đây của Mỹ, Anh và những đồng minh khác để dự đoán tình hình sắp tới.

Theo tiết lộ của một quan chức an ninh, sở dĩ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm kiếm thỏa thuận rút quân với Taliban một phần vì hy vọng lực lượng này có thể hỗ trợ triệt hạ IS. Hiện không rõ chính quyền Tổng thống Biden có tiếp tục mục tiêu này hay không, nhưng Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ Kenneth McKenzie sau vụ tấn công của ISIS-K cho biết sẽ làm việc với Taliban để mở rộng vành đai an ninh.

Trước đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, Tướng Nick Carter đã gợi ý rằng Taliban nên được trao cơ hội nắm quyền. Đến nay, chưa có quốc gia nào công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan sau khi họ chiếm Kabul vào ngày 15-8. Nhưng với những cam kết gần đây, một số nước phương Tây bắt đầu cởi mở khi giục Taliban thành lập một chính phủ toàn diện và tôn trọng nhân quyền. Hôm 31-8, Ngoại trưởng Qatar Mohammed al Thani cảnh báo việc cô lập Taliban có thể dẫn đến bất ổn hơn nữa. Ông cũng kêu gọi sự trợ giúp quốc tế giải quyết mối lo về an ninh và kinh tế xã hội ở Afghanistan. Qatar là quốc gia trước đây làm trung gian giữa Mỹ và Taliban.

Bộ Tài chính Mỹ cấp phép cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo người dân Afghanistan

Giấy phép đặc biệt do Bộ Tài chính Mỹ cấp có hiệu lực đến ngày 28-2-2022 cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ và các nhà thầu của chính phủ hỗ trợ viện trợ nhân đạo cho người dân ở Afghanistan, trong đó có cả phân phối thực phẩm, thuốc men bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Taliban.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh có lo ngại cho rằng các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Taliban có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, nước vốn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.

MAI QUYÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết