TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Các nước phương Tây đang chuẩn bị nguồn tài chính và hỗ trợ về mặt chính trị để ngăn các lò phản ứng hạt nhân có niên đại hàng thập kỷ ngừng hoạt động nhằm duy trì nguồn điện có lượng khí thải carbon thấp trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point B của Anh. Ảnh: WSJ
Vượt qua giới hạn 40 năm
Theo Nhật báo phố Wall (WSJ), trong khi Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác có kế hoạch giữ cho hàng chục lò phản ứng hạt nhân cũ kỹ hoạt động sau khi giấy phép hoạt động ban đầu của chúng hết hạn, Bỉ đang tiến tới cho phép 2 lò dự kiến đóng cửa vào năm 2025 hoạt động cho đến năm 2036 để giúp châu Âu loại bỏ nguồn khí đốt tự nhiên của Nga sau khi Mát-xcơ-va phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Trong khi đó, Ðức, quốc gia dự kiến đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân vào cuối năm nay, hiện đang tranh luận về việc có nên để 3 lò cuối cùng hoạt động vào năm sau để giúp Berlin tiết kiệm khí đốt trong mùa đông hay không, giữa lúc Mát-xcơ-va cắt giảm mạnh các lô hàng xuất khẩu nhiên liệu qua quốc gia này.
Pháp, quốc gia sở hữu lượng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đang chi khoảng 50 tỉ euro để đảm bảo rằng tất cả 56 lò phản ứng hạt nhân có thể tiếp tục hoạt động sau 40 năm. Ðể các lò phản ứng hạt nhân hoạt động quá thời hạn được cấp phép ban đầu thường là 40 năm, các nhà vận hành buộc phải bỏ ra số tiền lớn để đảm bảo an toàn.Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne ngày 29-8 cho rằng để tránh tình trạng thiếu điện trong mùa Ðông tới, nước này cần tái khởi động khẩn cấp các lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa trước đó.
Ðáng chú ý, Pháp cũng đang đề xuất xây dựng tới 14 lò phản ứng mới trong thập niên tới, trong khi Anh, Cộng hòa Séc, Ba Lan và nhiều quốc gia khác cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều lò mới.
Về phần mình, giới chức Hungary mới đây đã phê duyệt dự án xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân mới do tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom (Nga) đảm nhận, trị giá 12,5 tỉ USD, trong đó Nga tài trợ phần lớn dự án thông qua khoản vay trị giá khoảng 10 tỉ USD.
Mục tiêu khí hậu của LHQ
Những động thái trên phản ánh nhận thức chung rằng nền kinh tế toàn cầu đang rất cần nguồn năng lượng hạt nhân để tăng cường cung cấp năng lượng và giúp đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó kêu gọi các nước đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Theo WSJ, giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt khi Nga cắt giảm xuất khẩu nhiên liệu, làm dịu đi quan điểm “chống hạt nhân” ở các nước nhập khẩu nhiều khí đốt như Ðức. Mặt khác, việc bảo trì và thay thế thiết bị cho một lò phản ứng hạt nhân hiện có cũng rẻ hơn và đơn giản hơn nhiều so với việc xây dựng một lò mới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng có quan điểm tương tự. Theo IEA, giữ cho các lò phản ứng hạt nhân hoạt động có lợi hơn việc thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng có lượng khí thải carbon thấp như tuabin gió hay tấm pin năng lượng Mặt trời. IEA cho hay năng lượng hạt nhân tạo ra lượng CO2 gần như bằng 0. “Kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân là một phần không thể thiếu trong con đường hiệu quả để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” - IEA cho biết trong một báo cáo.
Mặc dù vậy, nhiều lò phản ứng hạt nhân hiện đang trong tình trạng đóng cửa. Bất chấp đề xuất từ một số nhà lập pháp Anh cho rằng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point B có thể được mở cửa để tăng cường nguồn cung cấp năng lượng trong mùa Ðông nhưng nhà máy này đã bị đóng cửa vào ngày 1-8. Dự kiến, tất cả các lò phản ứng hạt nhân khác của xứ sương mù sẽ đóng cửa vào năm 2028 mặc dù công ty năng lượng tổng hợp EDF Energy, chủ sở hữu của Hinkley Point B, cho biết đang cân nhắc liệu có nên tìm cách gia hạn hoạt động thêm 20 năm cho một lò khác mà họ sở hữu hay không.
Trong khi đó, giới chức tỉnh Ontario (Canada) đang tiến hành việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Pickering từ năm 2024. Trước đó, nhà máy điện hạt nhân Palisades (bang Michigan, Mỹ) cũng bị đóng cửa hồi tháng 5, trong khi nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon, vốn sản xuất ra khoảng 8% điện năng của bang California, dự kiến sẽ bắt đầu đóng cửa vào năm 2024. Kể từ năm 2013, 13 lò phản ứng hạt nhân của Mỹ đã phải ngừng hoạt động vì không mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên tại Mỹ, điện hạt nhân vẫn chiếm khoảng 50% sản lượng điện sạch và chiếm tới hơn 30% tổng sản lượng điện hạt nhân toàn cầu. Năm 2020, 88 trên tổng số 96 lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ đã được chấp thuận để gia hạn sử dụng thêm 20 năm.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây đã kêu gọi quốc gia Ðông Á này mở cửa trở lại nhiều lò phản ứng hạt nhân, bởi giá khí đốt tự nhiên quá cao, sau khi nước này cho ngừng hoạt động hầu hết các lò do hậu quả của sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi năm 2011. Dự kiến Tokyo sẽ tái khởi động 9 lò phản ứng hạt nhân (trong số 33 lò đã đóng cửa) trước mùa Ðông tới, giúp đáp ứng 10% nhu cầu điện hạt nhân của Nhật Bản. Nước này cũng dự định kéo dài thời gian hoạt động tối đa cho cho các lò phản ứng hạt nhân hiện có lên hơn 60 năm.