29/04/2025 - 19:41

Thốt Nốt: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp chất lượng cao 

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) quận Thốt Nốt, từ đầu năm đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận phát triển ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp trong tháng 4-2025 ước thực hiện được 252,13 tỉ đồng, đạt 8,86% kế hoạch, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay là 1.067,68 tỉ đồng, đạt 37,5% kế hoạch năm, tăng 0,44% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lúa hè thu đang phát triển tốt; lĩnh vực chăn nuôi vẫn duy trì ổn định. Tháng 4-2025 giá cá tra nguyên liệu có giảm chút ít so với tháng trước, tuy nhiên người nuôi vẫn có lời 6.000 đồng/kg.

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm phát triển tại quận Thốt Nốt.

Điển hình, hiện nay quận Thốt Nốt có tổng diện tích nuôi thủy sản là 309,39ha, đạt 75,46% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt 283,95ha (đạt 74,72% so kế hoạch), diện tích ương cá tra giống 15,1ha (cao hơn 3,11ha so với cùng kỳ 2024), diện tích nuôi cá trê 7,05ha, diện tích nuôi cá khác 3,29ha. Số lượng bè nuôi cá 243 cái. Ngoài ra, Thốt Nốt còn có vùng nuôi cá tra tập trung của 1 công ty với diện tích 10,55ha; nuôi gia công 31,29ha của 17 cơ sở, với định mức gia công khoảng 7.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, Thốt Nốt thu hoạch với tổng sản lượng thủy sản 31.751 tấn, đạt 31,13% kế hoạch, tăng trên 4.033 tấn so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản lượng cá tra được 31.233 tấn, tăng 4.000 tấn so với cùng kỳ 2024, đạt 31,87% kế hoạch năm; sản lượng cá trê 44 tấn, sản lượng cá bè 404 tấn, sản lượng cá khác 70 tấn. Đa số các hộ nuôi cá tra chỉ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến khi cá đạt kích cỡ thương phẩm, nên giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm thu hoạch. Hiện giá cá tra thương phẩm dao động 30.500-31.500 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm 2024 là 5.000 đồng/kg), trong khi giá thành nuôi cá tra từ 24.000-25.000 đồng/kg, nên người nuôi thu được lợi nhuận khá, khoảng 6.000 đồng/kg.

Theo Phòng NN&MT quận Thốt Nốt, đạt kết quả trên là nhờ quận có diện tích nuôi thủy sản đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm khá cao. Địa phương có tổng diện tích 161,28ha của 74 cơ sở nuôi cá tra được chứng nhận nuôi an toàn thực phẩm. Trong đó nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP có 51,4ha của 25 cơ sở, ATTP/ASC có 10,55ha của 1 cơ sở và nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm có 48 cơ sở với diện tích 99,33ha. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thủy sản cũng phát triển, với số lượng cơ sở sản xuất giống thủy sản là 6 cơ sở... cung cấp lượng giống an toàn, chất lượng cho người nuôi.

Đối với lĩnh vực sản xuất lúa chất lượng cao, nông dân quận Thốt Nốt xuống giống lúa hè thu 2025 được 3.588ha, đạt 101,73% kế hoạch, giảm 135,39ha so với cùng kỳ năm 2024. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao được tập trung gieo sạ, với 63% diện tích sử dụng giống OM 5451, 28% giống OM 18 và 9% diện tích sử dụng các giống khác. Trong đó có 115ha lúa giai đoạn đẻ nhánh và 3.463ha lúa giai đoạn đòng. Vụ hè thu này, quận Thốt Nốt tiếp tục duy trì và mở rộng 8 cánh đồng lớn ở 7 phường với tổng diện tích là 978,1ha. Có 1.090 hộ tham gia mô hình cánh đồng lớn, tập trung sản xuất lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống. Nhìn chung lúa hè thu trên địa bàn quận sinh trưởng và phát triển tốt...

Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: Thời gian tới, UBND quận chỉ đạo ngành chuyên môn, các phường tập trung theo dõi, hỗ trợ người dân sản xuất thắng lợi vụ lúa hè thu 2025; tổ chức tập huấn các biện pháp chăm sóc rau màu, lúa và hoa kiểng, các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, kỹ thuật trồng cây ăn trái cho hoa rải vụ và biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh chính; tuyên truyền các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến hành triển khai ký cam kết và kiểm tra hoạt động sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, địa phương tăng cường công tác kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn quận, nhằm hạn chế tối đa tình trạng găm hàng chờ giá và làm đột biến giá gây thiệt hại cho nông dân; tăng cường công tác quản lý về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật không được phép lưu hành và sử dụng ở Việt Nam cho các cơ sở kinh doanh và người sử dụng; hướng dẫn nông dân trồng rau an toàn, theo mô hình VietGAP và rau hữu cơ. Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn và mô hình giảm phát thải, ứng dụng cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết