29/04/2025 - 18:46

“Vành đai lửa” chuyển mình 

Tuyến Lộ Vòng Cung dài khoảng 30km, qua phường An Bình (quận Ninh Kiều); xã Mỹ Khánh, thị trấn Phong Điền, xã Tân Thới (huyện Phong Điền); phường Trường Lạc, phường Phước Thới (quận Ô Môn). Ven tuyến lộ này có các xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái (huyện Phong Điền), xã Trường Thành và xã Định Môn (huyện Thới Lai). Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các địa phương này được ví như “vành đai lửa”, nơi đối đầu ác liệt của quân, dân ta với địch, đạn bom cày xới tan hoang. Sau 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các địa phương trên tuyến “vành đai lửa” đã hồi sinh, chuyển mình phát triển, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao.

1. Xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau 50 năm thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Nghĩa đã viết tiếp những trang sử hào hùng trong xây dựng quê hương, từng bước biến vùng đất hoang tàn sau chiến tranh thành vùng quê khởi sắc, trù phú.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, ông Nguyễn Văn Huyền, người dân ấp Nhơn Thành vẫn nhớ như in những kỷ niệm chiến đấu thời trai trẻ. Ông kể, trong kháng chiến chống Mỹ, địa bàn xã Nhơn Nghĩa địch đóng nhiều đồn. Chúng lùng sục, bắn phá thường xuyên. Là lực lượng du kích xã, ông và các đồng đội quyết tâm tiêu diệt các đồn địch để bảo vệ nhân dân và lực lượng cách mạng. Ông nhớ lại: “Tôi nhớ rõ, hôm đó một buổi sáng tháng 6-1972, tôi cùng 3 du kích bí mật núp ở bụi rậm, khi 4 tên trong đồn Vàm Bào bơi xuồng đi bắt cá, tôi cùng đồng đội nổ súng tiêu diệt, thu 1 khẩu súng, 3 quả lựu đạn, 11 băng đạn. Một sáng tháng 2-1973, tôi cùng 3 du kích phục kích cách đồn Vàm Bào 200m, gài mìn và nổ súng tiêu diệt 5 tên, làm bị thương 2 tên. Một sáng tháng 10-1973, tôi cùng 2 du kích đánh đồn Ba Xoài, nổ súng tiêu diệt tên trưởng đồn...”.

Xã Nhơn Nghĩa đã đạt các tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo cuốn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã Nhơn Nghĩa (1876-1975) sơ thảo, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, quân và dân xã Nhơn Nghĩa đã phối hợp các lực lượng cách mạng chiến đấu hơn 300 trận, tiêu diệt 1.250 tên địch, thu 2.213 súng các loại, bắn chìm 4 tàu địch, bắn rơi 3 máy bay, bức rút và bức hàng 11 lượt đồn bót. Du kích xã độc lập tác chiến 242 trận, tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, thu 393 súng các loại, bức rút và bức hàng 8 lượt đồn bót…

Trong trí nhớ của người dân xã Nhơn Nghĩa, những năm đầu mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhơn Nghĩa bắt tay gầy dựng cuộc sống mới trên mảnh đất hoang tàn. Lúc bấy giờ, điện, đường, trường, trạm gần như là số không; đồng ruộng hoang hóa, loang lổ bom mìn. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, hầu hết gia đình rơi vào cảnh thiếu ăn. Phát huy truyền thống cách mạng kiên trung, với sự năng động, sáng tạo cần cù, chịu khó trong làm ăn của mỗi người dân, kinh tế - xã hội của xã Nhơn Nghĩa phát triển mạnh mẽ. Trong đó, sự phát triển vượt bậc là trong hơn 20 năm lại đây, kể từ khi thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Ông Huỳnh Văn Khôn, người dân ấp Nhơn Thành, từng tham gia trận đánh đồn Lò Đường ngày 19-4-1972, tiêu diệt 15 tên, bắt 7 tên, giải tán liên toán phòng vệ dân sự, thu 42 khẩu súng, 2 máy truyền tin của địch. Chứng kiến sự phát triển từng ngày của xã Nhơn Nghĩa, ông nói: “Lúc mới giải phóng, đường sá sình lầy, cầu khỉ, đi lại rất khó khăn. Trường học thiếu thốn, dân mù chữ nhiều, nhà cửa xập xệ, ban đêm đèn dầu leo lét, đất đai hoang hóa, người dân thiếu ăn… Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của toàn dân mà đất nước, quê hương ngày càng phát triển, cuộc sống nhân dân no ấm, bộ mặt quê hương ngày càng đổi mới...”.

Theo đồng chí Phạm Ngọc Tươi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, hiện nay, xã có 1.563ha vườn phủ kín sầu riêng, nhãn Ido, vú sữa, mít… đang cho thu hoạch. Trong đó, sầu riêng thu hoạch trên 500 triệu đồng/năm/ha, nhãn Ido thu hoạch từ 400 triệu đồng trở lên/năm/ha, vú sữa từ 200 triệu đồng trở lên/năm/ha. 100% tuyến đường chính từ xã đến ấp và nội ấp đều được tráng bê tông, mở rộng 3m-4m; 100% cầu bê tông, giao thương thuận tiện, an toàn. Hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa các ấp đều được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khang trang. Đến cuối năm 2024, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 84 triệu đồng/năm; xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

2. Xã An Bình, nay là phường An Bình, quận Ninh Kiều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” năm 1978. Ngày 4-2-2025, phường được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 241/QĐ-TTg công nhận xã An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 50 năm đất nước thống nhất, quê hương An Bình anh hùng đã phát triển mạnh mẽ, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phường An Bình vừa được Thủ tướng ký Quyết định công nhận xã An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao Quyết định của Thủ tướng cho lãnh đạo phường.

Phong trào đấu tranh chống cường hào ở An Bình đã sôi sục từ sau năm 1920, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, An Bình là nơi hoạt động xen kẽ giữa ta và địch, địa bàn trọng yếu để địch bảo vệ các cơ quan đầu não, cũng là nơi đứng chân của lực lượng ta để tấn công vào nội ô trong những trận đánh lớn. Nơi đây, địch tập trung rất nhiều đơn vị chủ lực, trang bị vũ khí tối tân chiếm đóng, dùng các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, đàn áp quần chúng, tiến công tiêu diệt lực lượng cách mạng. Dù chịu nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng người dân An Bình vẫn một lòng theo Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, An Bình có 125 gia đình vĩnh viễn mất đi người thân; hàng trăm người bị địch bắt tù đày; có 205 gia đình nuôi chứa cách mạng; có 108 hầm bí mật trong nhà, 45 hầm bí mật ngoài vườn, 25 hầm cất giấu vũ khí...

Chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng ký ức về cuộc chiến ác liệt, gian khổ và hậu quả nặng nề của cuộc chiến còn in hằn trong ký ức của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân An Bình. Chú Khổng Văn Tao, 93 tuổi, ngụ khu vực 2, từng tham gia du kích xã An Bình từ năm 1960-1975, chiến đấu với địch, bị địch bắt tù đày 2 lần, nhớ lại: “Những năm đầu giải phóng, tôi làm cán bộ ở An Bình. Lúc bấy giờ, An Bình có trên 70% hộ nghèo, đa phần người dân sống trong những căn nhà tre, lá tạm bợ, trình độ dân trí thấp; điện, trường, trạm chưa có; đường sá nhỏ, bằng đất...”. Với truyền thống cách mạng kiên trung, một lòng theo Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân An Bình đã nỗ lực lớn, quyết tâm vượt qua đói nghèo để vươn lên. Giờ đây, An Bình đã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị văn minh; có tiềm năng và dư địa phát triển lớn; đã hình thành các khu đô thị hiện đại, khang trang, bề thế; kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Đồng chí Mã Phụng, Bí thư Đảng ủy phường An Bình, cho biết: Sự thay đổi rõ nhất là trong hơn 20 năm gần đây, kể từ khi xã An Bình trở thành phường An Bình từ năm 2004. Trong hơn 20 năm qua, nhiều công trình lớn do Chính phủ, thành phố đầu tư xây dựng đi qua An Bình đã và đang tạo điều kiện cho địa phương phát triển mạnh mẽ như: cầu và đường Trần Hoàng Na, đường Hoàng Quốc Việt, đường Trần Vĩnh Kiết, đường Nguyễn Văn Cừ, kè rạch Cái Sơn Mương Khai, 7 trường học; cùng với nhiều công trình dân sinh, phúc lợi xã hội, trường học được đầu tư xây dựng trên địa bàn như Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học FPT…

Bên cạnh ngân sách đầu tư, người dân đã góp tiền và hiến đất, hoa màu trị giá hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông. Đến nay, các tuyến chính trong phường đều đã được trải nhựa, những tuyến hẻm nhỏ, bà con cũng tự nguyện góp tiền tráng bê tông. Từ một xã chuyên canh tác nông nghiệp, An Bình đã từng bước chuyển mình thành một phường đô thị nhộn nhịp, với cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Toàn phường hiện có 900 cơ sở thương mại - dịch vụ đang hoạt động có đóng thuế cho Nhà nước, tăng bình quân mỗi năm 15% cơ sở; có 30 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã và đang chọn phường An Bình đầu tư xây dựng các khu đô thị, các công trình phúc lợi xã hội, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẽ góp phần để địa phương có sự đổi thay nhanh chóng trong tương lai.

***

Với chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp TP Cần Thơ, các xã, phường, thị trấn trên tuyến lộ vòng cung - “vành đai lửa” trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cùng với các địa phương trong thành phố đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, tất cả các địa phương trên tuyến lộ vòng cung đều đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Đời sống người dân được nâng cao, cơ bản xóa hết hộ nghèo. Tin rằng, với truyền thống anh hùng và với bản chất năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trên tuyến Lộ Vòng Cung rực lửa trong kháng chiến sẽ vươn lên tầm cao mới, ngày càng giàu đẹp hơn…

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết