29/04/2025 - 20:09

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã: Đồng thuận cao 

HĐND TP Cần Thơ vừa thông qua các nghị quyết về chủ trương hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Kết quả lấy ý kiến cử tri cũng cho thấy, tỷ lệ cử tri đồng ý với dự thảo đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, lần lượt là 97,22% và 96,62%. Bên cạnh đồng thuận với chủ trương trên, người dân kỳ vọng với việc sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp trung gian (cấp huyện), bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tổ phát phiếu lấy ý kiến cử tri khu vực 4, phường Trà An, quận Bình Thủy đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã.

Công tác sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã tại TP Cần Thơ được thực hiện theo đúng tiến độ, quy định của Trung ương. Đồng thời, bám sát các tiêu chí: diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh. Nhân dân trên địa bàn thành phố đồng thuận, thống nhất với các đề án sắp xếp. Tại kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua chủ trương hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, thành lập thành phố trực thuộc Trung ương mới với tên gọi là TP Cần Thơ; chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã: sau khi sắp xếp, sáp nhập, TP Cần Thơ còn 32 ĐVHC cấp xã gồm 16 phường, 16 xã, giảm 48 ĐVHC cấp xã.

Ông Nguyễn Hữu Trí, cán bộ hưu trí phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cho rằng, bỏ cấp huyện, sẽ giảm tầng nấc trung gian, tạo sự thông suốt hiệu quả trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí hoạt động của bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển thành phố. Ông Trí chia sẻ: “Hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, chuyển đổi số được đẩy mạnh - đây là nền tảng vững chắc để tinh gọn bộ máy và sáp nhập các tỉnh, thành và bỏ cấp huyện. Tất nhiên, chúng ta phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giải quyết các vấn đề phức tạp về dân cư, hành chính. Cần xác định ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để tinh gọn bộ máy”.

Tán thành chủ trương sáp nhập 3 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, bà Lư Tú Phụng ở khu vực 4, phường Trà An, quận Bình Thủy cho rằng đây là cơ hội để TP Cần Thơ mở rộng, phát triển. Mỗi tỉnh, thành phố đều có những lợi thế riêng về tài nguyên, văn hóa, du lịch hay công nghiệp và khi sáp nhập thì các địa phương có thể phối hợp, bổ trợ lẫn nhau để phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, theo bà Phụng, việc sáp nhập các ĐVHC cần gắn với tinh gọn bộ máy, để tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư và dành nguồn lực thỏa đáng cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri về sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, cử tri còn kiến nghị ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương sau khi sáp nhập. Chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi giấy tờ liên quan đến thay đổi tên ĐVHC theo quy định; gắn kết chặt chẽ việc sắp xếp ĐVHC với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ.

Theo ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, trên cơ sở kết quả lấy ý kiến cử tri và kết quả biểu quyết của HĐND TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang; UBND thành phố sẽ hoàn chỉnh nội dung Tờ trình Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã (trước ngày 1-5-2025), để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã (sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc hoạt động ĐVHC cấp huyện), tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ, công chức của cấp xã hiện nay và định hướng, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, hướng dẫn của Trung ương.

Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, sẽ mở ra cơ hội để TP Cần Thơ mới tiếp tục bứt phá, phát triển.

Theo Kế hoạch số 74/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, UBND thành phố giao Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy, các cơ quan, địa phương, rà soát xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, dự kiến bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại ĐVHC mới thành lập; dự kiến số lượng, phương án giải quyết các đối tượng chịu sự tác động do sắp xếp ĐVHC các cấp sau sắp xếp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong 10 ngày, kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức tại ĐVHC cấp cơ sở sau khi thực hiện sắp xếp.

 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết