Mặc dù trách nhiệm của vụ thảm sát hơn 100 dân thường tại làng Houla thuộc thành phố Homs hôm 25-5 vẫn chưa rõ trắng đen, nhưng phương Tây tiếp tục mượn cớ gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, trong đó họ không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.
Áp lực quân sự và ngoại giao
|
Đặc phái viên LHQ - AL Kofi Annan (trái) và Tổng thống Syrie Bashar al-Assad có cuộc gặp trao đổi về kế hoạch hòa bình hôm 28-5 tại Thủ đô Damas.
Ảnh: AP |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn lần đầu tiên trên kênh truyền hình “France 2” tối 29-5, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố hành động can thiệp quân sự vào Syrie “không được loại trừ với điều kiện nó phải nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, tức là có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ)”. Trước mắt, ông chủ Điện Élysée cho biết Pháp sẽ hợp tác với các đồng minh châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn với lý do là “không thể để chế độ của ông al-Assad thảm sát dân chúng”.
Ngoại trưởng Úc Bob Carr ngày 30-5 cũng bày tỏ thái độ cứng rắn với chính quyền Syrie khi tuyên bố ông đang “mở cửa đối thoại” tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều nước về hành động quân sự tại Syrie, dù vấn đề này cần phải bàn thảo “rất kỹ lưỡng” do những trở ngại lớn về chính trị và những lo ngại về tác động của cuộc chiến. Ông cho biết Syrie có lực lượng quân đội hùng mạnh hơn Libye, nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không nên không thể mạo hiểm áp đặt một vùng cấm bay. Ngoài ra, ông cho rằng sự thiếu thống nhất trong nội bộ phe đối lập tại Syrie là một vấn đề hàng đầu trước khi xem xét bất kỳ hành động quân sự nào và chưa kể phải cần có sự đồng tâm của HĐBA LHQ.
Tại Mỹ, dù người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã tái khẳng định chính quyền Barack Obama phản đối dùng biện pháp quân sự tại Syrie vì lo ngại sẽ càng gây ra hỗn loạn và chết chóc tại quốc gia Trung Đông này, nhưng Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey tuyên bố: “Lầu Năm Góc vẫn để ngỏ khả năng dùng biện pháp quân sự giải quyết vấn đề Syrie”. Ông nói rằng vụ thảm sát vừa qua cho thấy cần phải gia tăng áp lực ngoại giao lên Damas, nhưng nước Mỹ cần chuẩn bị cho hành động quân sự khi cần thiết.
Ngoài việc dọa dùng biện pháp quân sự, hàng loạt quốc gia lớn của châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha sáng 28-5 đã thông báo yêu cầu đại sứ và các nhà ngoại giao cấp cao của Syrie phải rời khỏi nước họ trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Mỹ, Canada, Úc, Bulgarie cũng có hành động tương tự. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 30-5 cũng đã “hưởng ứng” đòn gây áp lực về mặt ngoại giao này của phương Tây.
Hôm 27-5, HĐBA LHQ, trong đó có Nga và Trung Quốc, đã ủng hộ nghị quyết lên án vụ thảm sát ở làng Houla, cho rằng chính quyền Damas phải gánh một phần trách nhiệm. Phương Tây cho rằng việc đồng minh quan trọng nhất của Syrie là Nga thông qua nghị quyết phê phán đó chứng tỏ chính quyền của ông al-Aasad ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.
Vụ thảm sát còn nhiều nghi vấn
Việt Nam lên án vụ thảm sát thường dân tại Syrie
Ngày 30-5, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới vụ thảm sát hơn 100 thường dân tại thị trấn Houla, Syrie vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ sát hại hơn 100 thường dân tại thị trấn Houla, Syrie. Chúng tôi xin gửi tới gia đình các nạn nhân lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc”.
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tại Syrie nhanh chóng tiến hành cuộc điều tra khách quan và đầy đủ về vụ việc này; nghiêm túc thực hiện kế hoạch hòa bình 6 điểm của Liên Hiệp Quốc nhằm đưa tình hình Syrie sớm trở lại ổn định, giúp người dân Syrie có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước. (TTXVN)
|
Dù hậu thuẫn nghị quyết của HĐBA LHQ lên án mạnh mẽ Syrie, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo vụ thảm sát tại làng Houla làm hơn 100 dân thường thiệt mạng không phải là cái cớ để thúc đẩy biện pháp can thiệp quân sự từ bên ngoài. Theo ông Lavrov, không chỉ có Nga mà cả HĐBA LHQ đều nhất trí kêu gọi tất cả các phe phái tại Syrie phải tiếp tục tôn trọng kế hoạch hòa bình của đặc phái viên LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) Kofi Annan. Cựu Tổng thư ký LHQ chiều 28-5 cũng đã có chuyến công du Syrie nhằm kêu gọi các phe phái thực hiện thỏa thuận hòa bình mà ông cảnh báo là “đang bên bờ đổ vỡ”.
Thực tế cho thấy vụ thảm sát vừa qua vẫn đang là vấn đề tranh cãi. Chính báo cáo của Cao ủy nhân quyền LHQ ngày 28-5 thừa nhận phần lớn các nạn nhân đều bị giết ở cự ly gần và chủ yếu bị hành hình. Chỉ có khoảng 20 người chết do bị đạn pháo ở tầm xa, có thể do lực lượng an ninh chính phủ bắn vào. Trong khi đó, hành vi giết người ở cự ly ngắn lại mang dáng dấp của lực lượng khủng bố. Làng Houla nghèo khó nói riêng và thành Homs nói chung là thành trì của phe chống đối. Người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ Herve Ladsous cũng cho biết ông đặc biệt nghi ngờ “bên thứ ba”, ngoài quân đội chính phủ và các tay súng nổi dậy, đứng đằng sau thảm kịch ở Houla.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)