03/05/2013 - 14:40

Phớt lờ dư luận

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết Washington không có kế hoạch đưa Cuba ra khỏi cái gọi là “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố” do phía Mỹ tự lập ra từ năm 1982 đến nay. Điều đáng nói là ở chỗ Washington đã bất chấp cả những phản ứng trong lẫn ngoài nước để duy trì cái danh sách mà dư luận lâu nay chỉ rõ là “phi lý, vô căn cứ và hoàn toàn sai trái”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell lập luận rằng báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về chủ nghĩa khủng bố chưa bao giờ được dùng để đưa ra hay thêm nước nào vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Quyết định như vậy, theo ông, có thể được đưa ra bất cứ thời điểm nào trong năm. Thế nhưng, Ventrell nói thêm rằng “không có kế hoạch thay đổi quy chế dành cho Cuba trong tương lai gần”.

Bản báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ lẽ ra được công bố vào hôm 30-4 như kế hoạch ban đầu của cơ quan này, nhưng đã bị hoãn lại. Một số quan chức Mỹ khi ấy nói rằng bản báo cáo sẽ được công bố sau trong tháng 5 này và nay có tin Washington vẫn giữ quan điểm cũ, dù theo AP cho biết, nhiều nhà phân tích tin rằng Mỹ có thể dùng bản báo cáo hàng năm về chủ nghĩa khủng bố để xóa tên Cuba khỏi cái danh sách đen ấy và thúc đẩy các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước.

“Một cơ hội đã bị bỏ lỡ. Không còn nghi ngờ gì nữa về điều đó”- Philip Peter, một nhà phân tích giàu kinh nghiệm về Cuba đang công tác tại một viện nghiên cứu ở Washington, bày tỏ sự thất vọng. Ông nói: “Nó lẽ ra là một bước đi quan trọng. Nó lẽ ra phải xóa bỏ lời cáo buộc mà cả thế giới đều biết là sai trái”.

Còn nhớ, khi liệt Cuba vào “danh sách các nước tài trợ khủng bố” năm 1982, cùng với Iran, Sudan và Syrie, chính quyền Mỹ viện cớ “Cuba che giấu những phần tử mà Mỹ truy nã cũng như thành viên của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, trong đó có hai nhóm mà Mỹ cho là khủng bố gồm nhóm ly khai xứ Basque (ETA) ở Tây Ban Nha và nhóm du kích cánh tả FARC ở Colombia”.

Lạ lùng là ở chỗ ngay cả Washington cũng thừa nhận không có bằng chứng về việc La Havana cung cấp vũ khí hay huấn luyện các phần tử khủng bố. Chính phủ các nước Colombia và Tây Ban Nha cũng chưa hề chỉ trích vai trò của Cuba trong các cuộc xung đột ở nước họ. Hơn thế nữa, trong những năm qua Cuba còn trở thành nhà trung gian hòa giải giữa Chính phủ Colombia với FARC và đạt được bước tiến quan trọng sau cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên ở Thủ đô La Havana hồi tháng 10 năm rồi.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng cho rằng cần đưa Cuba khỏi danh sách đen tài trợ khủng bố. Họ khẳng định không có tiêu chuẩn khách quan nào quyết định nước nào cần phải liệt vào danh sách, nước nào không, đồng thời cho biết lên danh sách đen vĩnh cửu sẽ không công nhận sự tiến bộ của Cuba và không phải là cách thức hiệu quả nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. AP cho biết, những ngày qua nhiều tờ báo lớn của Mỹ đã đăng các bài xã luận kêu gọi chính quyền đưa Cuba ra khỏi danh sách trên.

Vậy thì cớ gì Washington vẫn khư khư giữ Cuba trong danh sách ấy?

La Havana đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, đồng thời lên án thái độ thù địch của Mỹ đối với Cuba, cho rằng đó chẳng qua là cái cớ để Mỹ duy trì chính sách bao vây cấm vận hà khắc nhưng lỗi thời và lạc lỏng chống Cuba suốt 51 năm qua.

NHẬT QUANG

 

Chia sẻ bài viết