29/04/2012 - 21:25

ĐỒNG CHÍ ĐẶNG TUẤN LIỆT, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN THÀNH ỦY:

Phát huy vai trò của hệ thống dân vận, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Tại các buổi “Sinh hoạt dân chủ ra dân”, nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Nghị quyết (NQ) Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện NQ này, Ban dân vận Thành ủy đã hướng dẫn tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện NQ trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, các đoàn thể và quần chúng. Trả lời phỏng vấn Báo Cần Thơ, đồng chí Đặng Tuấn Liệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, cho biết:

- Để việc triển khai, phổ biến trong khối dân vận đạt hiệu quả cao, Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ đề ra mục đích, yêu cầu là:

Qua triển khai, phổ biến NQ phải tạo được sự đồng thuận xã hội, giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và đoàn thể các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của NQ, nắm vững những kiến thức cần thiết, tư tưởng chỉ đạo, công việc phải làm, phương pháp, thời gian tiến hành, thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, tổ chức thực hiện NQ có hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; động viên các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình triển khai thực hiện NQ phải gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tránh hình thức; không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

* Nhằm tạo sự thống nhất cao trong thực hiện NQ, việc tổ chức triển khai NQ Trung ương 4 (khóa XI) trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, các đoàn thể và quần chúng được tiến hành ra sao, thưa đồng chí?

- Điều quan trọng là MTTQ và các đoàn thể phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện NQ, trên cơ sở đó mới có sự thống nhất trong khâu tổ chức thực hiện. Trước tiên, MTTQ và các đoàn thể, cần tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ chính là tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt NQ và tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng.

Đối với việc triển khai, phổ biến NQ, phải nắm vững mục đích, yêu cầu như tôi đã nêu, từ đó có sự đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung triển khai, phổ biến phù hợp với từng đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa triển khai học tập trong nội bộ với việc tuyên truyền, phổ biến ra nhân dân; cần gắn việc triển khai, phổ biến NQ với tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đối với hội nghị góp ý xây dựng Đảng, cần tập trung bám sát nội dung kiểm điểm đã được nêu trong NQ của Trung ương, Chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị và kế hoạch của Thành ủy. Khi góp ý, cần tập trung làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về những hạn chế, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị; tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm khắc phục; về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức hội nghị này phải thật sự dân chủ, cởi mở, đề cao trách nhiệm, với tinh thần nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn, chân thành, khách quan, xây dựng và dựa trên tình thương yêu đồng chí; nhưng không nể nang, né tránh, tập trung làm rõ những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay và đề xuất, kiến nghị với Đảng những giải pháp về xây dựng Đảng, cần quan tâm nắm bắt ý kiến, dư luận nhân dân, nhất là cán bộ hưu trí, đội ngũ trí thức, những người có uy tín trong cộng đồng về những vấn đề dự định đóng góp.

* Thưa đồng chí, MTTQ và các đoàn thể thành phố đóng vai trò như thế nào trong góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh?

- Có thể khẳng định MTTQ và các đoàn thể trong thành phố có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Lịch sử đã cho thấy như thế và thực tế cũng thể hiện như thế. Thực tế tại thành phố Cần Thơ, ở nơi nào MTTQ và các đoàn thể hoạt động có hiệu quả, biết dựa vào dân, nói lên tiếng nói của nhân dân thì nơi đó đảng bộ, chính quyền được nhân dân tin tưởng, khối đại đoàn kết được giữ vững và phát huy, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, trật tự xã hội ổn định...

Với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, MTTQ và các đoàn thể chính là nơi thể hiện quyền “làm chủ” của nhân dân, ngăn ngừa tình trạng lạm quyền của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vì vậy NQ Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định các giải pháp trong thời gian tới là “định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

* Để góp phần triển khai thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI) đạt hiệu quả tốt, theo đồng chí cần phải làm gì để phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giám sát xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh?

- Theo tôi, có hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là: mở rộng, phát huy dân chủ và nâng cao vai trò phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể. Chỉ có thực hiện tốt dân chủ mới tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất và được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố phải thật sự coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng “hàm lượng” dân vận trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, công khai những nội dung có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân; thực hiện tốt chế độ làm việc định kỳ với MTTQ và các đoàn thể; cán bộ chủ chốt các cấp phải sâu sát, thường xuyên đi cơ sở, thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Khi dân chủ được phát huy sẽ là nguồn động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Vấn đề phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giúp các cơ quan đảng, chính quyền xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn hơn. Phản biện xã hội theo đúng bản chất của nó, suy cho cùng là biểu hiện của dân chủ, là động lực cho sự phát triển. Trong xã hội luôn có phản biện, do đó phải có một kênh để tập hợp ý kiến phản biện của nhân dân thành ý kiến chính thống, không để xảy ra những biểu hiện sai lệch của phản biện. Kênh đó chính là MTTQ và các đoàn thể.

Tuy nhiên, để nâng cao vai trò phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể, tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Hiện nay, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhìn chung vẫn còn mang tính hành chính, ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của các cơ quan chính quyền về kinh phí, cơ sở vật chất hoạt động và về con người nên tính “phản biện” khó phát huy đúng mức. Mặt khác, một số vấn đề liên quan đến việc phản biện còn chưa được làm rõ, như: đối tượng, nội dung mà MTTQ và các đoàn thể tiến hành phản biện; trách nhiệm của cơ quan phản biện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức bị phản biện bởi MTTQ và các đoàn thể.

Qua nghiên cứu NQ Trung ương 4 (khóa XI) và hướng dẫn của các Ban Xây dựng Đảng Trung ương, tôi thấy Trung ương đã đề ra những giải pháp xây dựng đảng đồng bộ và khả thi. Tôi tin tưởng với sự tin yêu, ủng hộ của nhân dân thành phố và sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, Thành ủy Cần Thơ sẽ lãnh đạo thực hiện thắng lợi NQ Trung ương 4 (khóa XI), xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh.

* Xin cảm ơn đồng chí!

THANH THY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết