17/08/2022 - 08:18

Pháp rút quân khỏi Mali 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NY Times)

Những binh sĩ cuối cùng thuộc lực lượng Barkhane của Pháp đã rút khỏi Mali sau 9 năm tham chiến nhằm đẩy lùi các tay súng nổi dậy tại quốc gia Tây Phi.

Binh sĩ Pháp thuộc lực lượng Barkhane tại vùng Ðông Bắc Mali. Ảnh: NY Times

Trong thông báo, quân đội Pháp nêu rõ đơn vị cuối cùng của lực lượng Barkhane trên lãnh thổ Mali đã vượt qua biên giới giữa Mali và Niger vào chiều 15-8. Ðầu năm nay, Pháp có khoảng 4.300 binh sĩ đóng tại khu vực Sahel, bao gồm 2.400 lính tại Mali.

Cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chính phủ và các phong trào ly khai nổ ra ở Mali từ năm 2012. Pháp triển khai lực lượng đến Mali năm 2013 song chưa đạt được mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn các tay súng Hồi giáo cực đoan. Các chiến binh này đã tái hợp ở sa mạc và bắt đầu tấn công quân đội Mali và các đồng minh. Ngoài ra, ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ nhánh phiến quân Hồi giáo từ Vịnh Guinea đang dần lớn mạnh và đe dọa khu vực. Do đó, dù rút quân khỏi Mali nhưng Paris cùng các đồng minh kêu gọi tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại khu vực Sahel. Pháp sẽ điều hành các nỗ lực chống khủng bố trong khu vực từ Niger và Chad, nơi đặt trụ sở Chiến dịch Barkhane.

Thông báo trên đưa được ra 6 tháng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch rút quân khỏi Mali sau những bất đồng với chính quyền quân sự tại Bamako. Hồi tháng 8-2020, Ðại tá quân đội Mali Assimi Goita đã lãnh đạo cuộc binh biến, lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita. Năm ngoái, ông Goita tiếp tục thực hiện cuộc đảo chính thứ hai khi loại bỏ các lãnh đạo dân sự trong chính quyền chuyển tiếp của Mali và lên nắm quyền tổng thống.

Chiến dịch chống quân nổi dậy trong gần một thập niên qua tại Mali đã khiến Pháp tốn khoảng 1 tỉ euro/năm. Hàng ngàn dân thường, binh sĩ Mali và 59 lính Pháp cũng đã thiệt mạng. Tại khu vực Sahel, hơn 2,5 triệu người đã phải đi lánh nạn trong giai đoạn đó.

Mất sự ủng hộ từ Mali

Bất chấp những thông báo của Pháp về việc tiêu diệt các thủ lĩnh thánh chiến, nhiều nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp tục thu nạp tân binh, thường tìm được mảnh đất màu mỡ để chiêu mộ chiến binh trong số những cộng đồng bất hòa với Chính phủ Mali.

Ðến năm 2020, cơn giận của người dân Mali về việc chính phủ nước này không ngăn chặn được bạo lực đã bùng phát và đất nước hứng chịu những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm. Ở đỉnh điểm làn sóng biểu tình, binh sĩ Mali đã tiến hành cuộc đảo chính, bắt giữ và buộc Tổng thống Keita từ chức. Kể từ khi nắm quyền, chính quyền quân sự lại được dân chúng Mali ủng hộ, trái ngược với tình cảnh của lực lượng Pháp, phe được cho là đứng về phía chính quyền của ông Keita.

Pháp đã phạm một số sai lầm lớn, trong đó cách tiếp cận bảo trợ gây khó chịu cho giới chức Mali và dân chúng nước này. “Chúng tôi hành xử như một người anh lớn đối với em trai và ra lệnh cho người em về những gì phải làm và không làm. Chúng tôi áp đặt những khuôn mẫu không phù hợp với họ”, Didier Castres, cựu phó tham mưu trưởng phụ trách các hoạt động trong những năm đầu của Chiến dịch Barkhane, giải thích. Một sai lầm nữa là Pháp đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng đa diện chủ yếu thông qua các biện pháp quân sự.

Trong những ngày đầu Pháp đưa quân can thiệp Mali, chiến dịch này được xem là thành công lớn. Binh sĩ Pháp được trang bị vũ khí, huấn luyện tốt hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mali, nên có thể thực hiện những nhiệm vụ khó trên không và dưới mặt đất. Tuy nhiên, lính Pháp thường không có hoặc có ít kinh nghiệm chinh chiến tại quốc gia châu Phi và không có cách giao tiếp với những người Mali mà họ đứng ra bảo vệ. Bên cạnh đó, binh sĩ Pháp dành nhiều thời gian ở trong những căn cứ quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt và bị chê là kiêu ngạo, kém hiệu quả.

Khi Pháp đóng cửa các căn cứ ở Mali và thu hẹp hoạt động, các cuộc tấn công chết người tiếp tục gia tăng. Hồi đầu tháng này, những phần tử nổi dậy Hồi giáo đã sát hại 42 quân nhân Mali trong cuộc tấn công tại khu vực biên giới chung giữa Mali, Niger và Burkina Faso. Một cựu bộ trưởng Mali tiết lộ những phần tử thánh chiến hoạt động bí mật ở thủ đô Bamako đang chờ thời cơ thích hợp để tấn công và việc lực lượng Pháp rút đi có thể mở ra cơ hội đó.

Chia sẻ bài viết