Giới nghiên cứu Brazil xác định vaccine COVID-19 của Tập đoàn công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%, thay vì 78% như công bố trước đó.

Brazil hiện có trong tay khoảng 10,8 triệu liều vaccine CoronaVac. Ảnh: Reuters
Trong thông báo ngày 12-1, Viện Butantan và chính quyền bang Sao Paulo cho rằng vaccine CoronaVac đạt hiệu quả 50,38% trong cuộc thử nghiệm lâm sàng tại nước này. Ðại diện Viện Butantan khẳng định tỷ lệ đó vẫn đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là đạt hiệu quả ít nhất 50%. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Y tế nói mức độ hiệu quả như vậy gây nhiều quan ngại, nên phải chờ Cơ quan Quản lý Y tế Brazil đánh giá.
Chuyên gia Yanzhong Huang thuộc Hội đồng Ðối ngoại (Mỹ) mô tả hiệu quả của CoronaVac là “đáng thất vọng”. Vaccine Pfizer/BioNTech (Mỹ - Ðức) và Hãng Moderna (Mỹ) đều đạt hiệu quả khoảng 95%. Tỷ lệ này của Sputnik V (Nga) và vaccine của Oxford/AstraZeneca (Anh) lần lượt là 91% và 70%.
Dù vậy, truyền thông Trung Quốc đánh giá thấp báo cáo từ Brazil. Tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định CoronaVac “đạt hiệu quả phòng ngừa thể nặng 100%, có thể giảm 80% số ca nhập viện”. Vaccine này cho thấy tính an toàn, nhưng lượng kháng thể ở người được tiêm thấp hơn so với bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Dữ liệu được công bố tháng 11-2020 chỉ ra kết quả vaccine sinh kháng thể thấp ở cả hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Sinovac vẫn tin rằng vaccine của họ có hiệu quả và đủ khả năng miễn dịch.
Hiệu quả vaccine thấp sẽ khiến Sinovac khó có thể mở rộng thị phần toàn cầu. Sinovac hiện đã ký thỏa thuận cung cấp 46 triệu liều vaccine cho Brazil, 50 triệu liều cho Thổ Nhĩ Kỳ và 7,5 triệu liều cho Hong Kong. Ít nhất 10 quốc gia đã đặt mua tổng cộng hơn 380 triệu liều CoronaVac, mặc dù các cơ quan quản lý vẫn chưa phê chuẩn vaccine này. Sinovac thử nghiệm vaccine của họ ở Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Theo tờ New York Times, không giống một số vaccine khác, CoronaVac dựa trên công nghệ cũ hơn, trong đó sử dụng hóa chất để làm suy yếu hoặc tiêu diệt virus, rồi đưa nó vào vaccine để kích thích cơ thể sống sinh ra kháng thể. Tuy nhiên, quy trình giết virus có thể làm suy yếu sức mạnh của vaccine, khiến phản ứng miễn dịch có thể ngắn hoặc ít hiệu quả hơn.
Ðoàn chuyên gia WHO đến Trung Quốc
Ngày 14-1, nhóm chuyên gia quốc tế thuộc WHO cuối cùng cũng đến được Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, vài ngày sau khi bị Bắc Kinh “cản trở” nhập cảnh.
Nhà sinh vật học Hung Nguyen, một thành viên trong nhóm, cho biết ông không mong nhóm gặp bất kỳ hạn chế nào trong chuyến công tác tại Trung Quốc. Theo Hãng tin Reuters, phái đoàn phải cách ly 2 tuần sau khi đến nơi và có thêm ít nhất 2 tuần để phỏng vấn những người tại các viện nghiên cứu, bệnh viện và chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, nơi ca mắc đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm 2019.
Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay là SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại chợ hải sản ở thành phố này. Tuy nhiên, sự gián đoạn quá lâu giữa đợt bùng phát ban đầu và chuyến công tác có thể sẽ gây nhiều khó khăn cho sứ mệnh. Không chỉ nhiệm vụ khoa học phức tạp, các chuyên gia còn có thể đối mặt với thách thức về mặt ngoại giao, chính trị ở nước sở tại. Dù vậy, WHO cũng ẩn ý rằng trong tương lai sẽ còn thực hiện thêm nhiều chuyến công tác tương tự đến Trung Quốc.
HẠNH NGUYÊN