02/10/2019 - 22:15

Ông Trump nhờ Úc giúp trong nghi án Nga can thiệp bầu cử 

Hôm 1-10, Chính phủ Úc khẳng định Canberra “sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ” Washington làm sáng tỏ các vấn đề liên quan cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Úc Morrison. Ảnh: AP

Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Úc Morrison. Ảnh: AP

Tin tức trước đó cho biết Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Thủ tướng Scott Morrison giúp Bộ Tư pháp Mỹ làm rõ nguồn gốc cuộc điều tra nói trên. Hai bên đã thảo luận vấn đề này qua điện thoại trước thời điểm Thủ tướng Morrison sang thăm Mỹ tuần rồi.

Trong tuyên bố, phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley khẳng định việc Tổng thống Trump thay mặt Bộ Tư pháp tiếp cận Úc là hoàn toàn hợp pháp. Lời giải thích được đưa ra giữa thời điểm ông Trump đang đối mặt với các thủ tục luận tội liên quan cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Chủ nhân Nhà Trắng bị cáo buộc tìm kiếm sự giúp đỡ của nước ngoài để bôi nhọ cựu Phó Tổng thống Joe Biden-được xem là đối thủ “khó chơi” nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Hồi tháng 3, cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách chính thức khép lại sau 22 tháng. Báo cáo trình lên Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận không có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Điện Kremlin. Mặc dù không buộc tội, nhưng báo cáo không chứng minh chủ nhân Nhà Trắng vô tội sau những phát hiện cho thấy ông Trump cố ngăn cản tiến trình điều tra. Thời điểm đó, ông Mueller giải thích cuộc điều tra ngay từ đầu không đặt mục tiêu truy tố và đây cũng chưa từng là phương án đội ngũ điều tra có thể cân nhắc do quy định của Bộ Tư pháp cấm hành động pháp lý với tổng thống đương nhiệm. Phe Dân chủ lý giải tuyên bố của cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Mueller là sự ám chỉ rằng nếu Bộ Tư pháp cho phép thì ông lẽ ra đã truy tố Tổng thống Trump. Theo Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, vì công tố viên đặc biệt không có quyền làm việc đó nên ông ấy đang gợi ý quốc hội luận tội tổng thống.

Kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc, Tổng thống Trump hồi tháng 5 đã chủ động liên lạc và đề nghị một số quốc gia hỗ trợ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr thu thập thông tin làm sáng tỏ nguồn gốc cuộc điều tra của ông Mueller. Thời điểm đó, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã phát tín hiệu cho thấy Canberra sẵn sàng hỗ trợ Washington. Trong lá thư gửi đến Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và Bộ trưởng Barr, đại sứ Úc tại Mỹ Joe Hockey còn khẳng định chính quyền Morrison sẽ sử dụng mọi nguồn lực có thể để làm rõ các vấn đề liên quan.

Theo Guardian, Úc vốn đóng vai trò quan trọng dẫn tới quyết định điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ sau những tiết lộ của Đại sứ Úc tại Anh Alexander Downer về cuộc gặp với cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, George Papadopoulos hồi tháng 5-2016. Trong đó, ông Downer xác nhận cố vấn Papadopoulos từng đề cập việc “người Nga có thể tung ra những thông tin gây bất lợi cho bà Hillary Clinton”, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, ông Papadopoulos về sau đã phủ nhận những tình tiết như vậy. Nhân vật này bị giam giữ 2 tuần vào năm 2018 sau khi nhận tội nói dối FBI về các cuộc họp liên quan đến Nga.

Trong diễn biến liên quan, Washington vừa ban hành lệnh trừng phạt mới về kinh tế đối với 7 công dân Nga bị cáo buộc dính líu hoạt động trực tuyến nhằm thao túng cử tri Mỹ. Lệnh trừng phạt được đưa ra giữa lúc Nhà Trắng và các trang mạng xã hội lớn đang mạnh tay chống can thiệp bầu cử Mỹ vào năm sau. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết động thái này nhằm khẳng định chính quyền Trump sẽ không dung thứ bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào các tiến trình dân chủ.

John Bolton tiếp tục đối đầu Tổng thống Trump

Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi rời Nhà Trắng, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã lên tiếng chỉ trích chiến lược của chính quyền Trump trong vấn đề Triều Tiên.

Phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), ông Bolton nhấn mạnh khả năng Bình Nhưỡng “không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Thay vì tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh khác với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vị cựu cố vấn nói rằng giới chức Mỹ nên tập trung vào cách tiếp cận cứng rắn hơn, bao gồm lựa chọn quân sự. Ông Bolton còn đề nghị Washington nên suy nghĩ về khả năng thay đổi chế độ hoặc hợp tác với Trung Quốc để thống nhất hai miền Triều Tiên.

 

MAI QUYÊN (Theo Guardian, Fox News)

Chia sẻ bài viết