14/04/2020 - 09:30

Ông Trump ghi điểm 

Saudi Arabia và Nga hôm 12-4 đã kết thúc cuộc chiến giá dầu khi ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử.

Theo thỏa thuận, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) trong nỗ lực ổn định thị trường dầu thô toàn cầu trong tháng 5 và 6 sẽ cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương với gần 10% nguồn cung ứng dầu toàn cầu. Còn trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay, lượng dầu cắt giảm mỗi ngày sẽ là 7,7 triệu thùng, sau đó còn 5,8 triệu thùng từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022.

Người có công lớn trong sự kiện này không ai khác chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tỉ phú New York thời gian qua đã có nhiều cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nỗ lực đàm phán của nhà lãnh đạo Mỹ gặp phải trở ngại khi Mexico từ chối tuân theo thỏa thuận mà Nga và Saudi Arabia đưa ra. Theo đó, Mexico tuyên bố sẽ chỉ cắt giảm 100.000 thùng dầu/ngày chứ không phải là 400.000 thùng theo như thỏa thuận, khiến Riyadh phản đối và lo ngại rằng nếu Mexico chùn bước thì nhiều nước khác sẽ “noi gương”. Ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức lên tiếng trấn an Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, đồng thời đưa ra lời hứa mơ hồ rằng ông sẽ “tạo ra sự khác biệt”, trong khi ra sức “dỗ dành” Saudi Arabia và Nga. Nghe đâu, Mỹ hứa sẽ bù đắp mức giảm sản lượng của Mexico bằng việc cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày.

Thực tế, các thượng nghị sĩ Mỹ đến từ các tiểu bang sản xuất dầu mỏ cũng đã có các cuộc điện đàm với giới chức Saudi Arabia, trong đó có việc đe dọa sẽ “đánh giá lại” quan hệ song phương. Dù sao, với vai trò thúc đẩy thỏa thuận của OPEC+, ông Trump được Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược của ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets ví von là “chủ tịch thực tế của OPEC”. Đáng nói là 3 năm qua, Tổng thống Trump thường chỉ trích OPEC luôn tìm cách nâng cao giá dầu. 

Hiện chưa rõ thỏa thuận nói trên có đủ để làm tăng giá dầu hay không. Song, viết trên Twitter sau khi thỏa thuận trên được ký kết, ông Trump cho biết nó sẽ giúp hàng trăm ngàn lao động trong lĩnh vực năng lượng Mỹ không bị mất việc làm. Do Saudi Arabia và Nga “cơm không lành, canh không ngọt”, các công ty sản xuất dầu mỏ của Mỹ đã phải cắt giảm hàng ngàn việc làm, đóng các giếng dầu cũ và cho ngừng hoạt động nhiều giàn khoan cũng như thiết bị theo dõi dầu. 

Hiện tại, trước đại dịch COVID-19 có nguy cơ kéo dài và tác động nghiêm trọng nền kinh tế thế giới, mức cắt giảm của OPEC+ có thể không giúp giá dầu khôi phục mạnh, bởi nhu cầu dầu mỏ đã giảm tới khoảng 35% trong tổng sản lượng thương mại 100 triệu thùng/ngày trước khủng hoảng. Vì thế, OPEC+ bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng dầu/ngày. Giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ buộc cắt giảm 3 triệu thùng trong số 13 triệu thùng/ngày để giúp sức tăng giá dầu nhằm ngăn chặn nguy cơ phá sản của các tập đoàn dầu đá phiến.

TRÍ VĂN (Theo NYT, FT)

Chia sẻ bài viết