Ngày 9-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngoài các mức thuế kim loại hiện hành, Washington có kế hoạch áp thêm 25% thuế lên tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này.
![Ông Trump dọa áp thuế thép và nhôm thế giới](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250210/images/Gulf.webp)
Tổng thống Trump ký tuyên bố chỉ định ngày 9-2 là ngày “Vịnh Mỹ” khi chuyên cơ Không Lực Một bay ngang vùng này. Ảnh: MSN
Thông báo được đưa ra khi Tổng thống Trump di chuyển từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida đến sân vận động diễn ra trận Siêu cúp Bóng bầu dục ở New Orleans. Chia sẻ với phóng viên, ông Trump còn nói tuần này sẽ có thông báo về việc thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là áp thuế “có đi có lại” với tất cả nước đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Vì mục tiêu thương mại tự do và công bằng, Nhà Trắng sẽ có hành động (thuế quan) tương tự với những bên đang lợi dụng Mỹ. “Từ nay không còn trường hợp họ tính chúng tôi 130% và chúng tôi không tính lại họ bất kỳ khoản nào” - ông Trump tuyên bố.
Hiện chưa có thông tin quốc gia sẽ bị nhắm mục tiêu. Theo dữ liệu của Chính phủ và Viện Sắt thép Mỹ, Washington nhập khẩu nguồn kim loại này nhiều nhất từ Canada, Brazil và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc. Canada cũng là bên cung cấp nhôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm 79% tổng lượng nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2024.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump đã áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi EU tiếp tục bị đánh thuế cho đến năm 2021, Washington sớm đạt thỏa thuận dỡ bỏ các mức thuế trên với Canada, Mexico; đồng thời cấp hạn ngạch miễn trừ cho một số đối tác thương mại như Úc. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng mở rộng hạn ngạch miễn thuế cho Anh, Nhật Bản và EU.
Trong khi dọa áp thuế thép và nhôm nhập khẩu, Tổng thống Trump cho biết tập đoàn sản xuất thép Nippon Steel của Nhật Bản sẽ không thể mua phần lớn cổ phần của US Steel. Ông Trump nhấn mạnh không bên nào có thể sở hữu phần lớn cổ phần trong US Steel. Tuyên bố này làm gia tăng thêm nghi ngờ về kế hoạch của nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản muốn “thâu tóm” công ty mang tính biểu tượng của Mỹ. Ngày 8-2 vừa qua, Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, trong đó hai bên nhấn mạnh đây sẽ là hình thức “đầu tư”, chứ không phải “sáp nhập”.
Bình luận của Tổng thống Trump về thuế quan mới được đưa ra sau tuyên bố của Thủ tướng Ðức Olaf Scholz, rằng EU sẵn sàng đáp trả “trong vòng một giờ” nếu Mỹ áp thuế hàng hóa châu Âu. Theo giới quan sát, thuế quan là một phần cốt lõi trong tầm nhìn kinh tế biến sức mạnh tài chính thành vũ khí của Tổng thống Trump, mục tiêu là bảo vệ việc làm và tăng doanh thu thuế. “Ðây có thể là công cụ đàm phán chiến lược cho Tổng thống Trump hoặc sẽ khởi đầu cho cuộc chiến thương mại kéo dài” - chuyên gia Stephen Dover tại Viện Franklin Templeton nhận định.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài CNN ngày 9-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo việc Mỹ áp thuế với EU sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao. Ông Macron cảnh báo việc áp thuế sẽ gây tổn hại không chỉ cho nền kinh tế châu Âu mà còn cho cả Mỹ, do mức độ gắn kết kinh tế giữa hai bên. Khi được hỏi liệu có sẵn sàng “đối đầu trực tiếp” với ông Trump về vấn đề thuế quan hay không, ông Macron đáp: “Tôi đã từng làm vậy và tôi sẽ làm lại”. Ông cho biết EU phải sẵn sàng phản ứng trước các hành động của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng khối 27 quốc gia này chủ yếu nên “hành động vì chính mình”. Ông Macron nói thêm: “Ðó là lý do tại sao với tôi, ưu tiên hàng đầu của châu Âu là chương trình năng lực cạnh tranh, là chương trình quốc phòng và an ninh, là tham vọng về trí tuệ nhân tạo và chúng ta hãy tiến nhanh vì chính mình”.
Trong cuộc cải cách chính sách thương mại sâu rộng hiện nay, Tổng thống Trump hồi đầu tháng 1 đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm của Canada và Mexico nhưng sau đó hoãn kế hoạch lại trong 30 ngày. Kể từ ngày 10-2, Mỹ chính thức áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã thông báo áp mức thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, cùng 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô nhập khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc đã mở điều tra chống độc quyền đối với “gã khổng lồ” công nghệ Google và đưa tập đoàn PVH, chủ sở hữu các thương hiệu thời trang Calvin Klein và Tommy Hilfiger tại Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”. Trung Quốc cũng bắt đầu kiểm soát xuất khẩu đối với 25 kim loại hiếm, một số trong đó là thành phần chính của nhiều sản phẩm điện và thiết bị quân sự.
MAI QUYÊN (Reutets, ABC News)